Ngành Than học và làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế đặc biệt của ngành Than với sự phát triển kinh tế, vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm tới Vùng mỏ cũng như ngành Than.

Bác Hồ nhận hòn than thứ 4 triệu tấn do đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng trong cuộc mít tinh chào mừng Người về thăm và chúc Tết quân và dân Vùng mỏ ngày 1 Tết Ất Tỵ năm 1965. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã luôn dành cho ngành Than sự quan tâm sâu sắc. Từ tháng 9/1945 đến tháng 5/1955, trong 3 lần gửi thư cho đồng bào Vùng mỏ, có 2 lần Bác nói về công nhân mỏ. Ngày 30/3/1959, Bác đến thăm mỏ Đèo Nai và căn dặn: “Than ở Vùng mỏ vào loại tốt của thế giới, cảnh Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người. Các chú phải làm than cho tốt”. Sau lần đón Bác, phong trào sản xuất than đặc biệt lên cao. Đèo Nai hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác tặng ngành Than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất”. 

Tranh khắc gỗ "Bác Hồ với công nhân mỏ" của họa sĩ Vũ Tư Khang.

Ngày 15/11/1968, Bác Hồ đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch. Trong bài phát biểu của Bác, có những câu chỉ nghe một lần, cả đội ngũ ngành Than đều thấy thấm thía. Đó là: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt khó khăn, nhằm tạo một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

Đáp lại sự quan tâm của Người, hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã lập nên những kỳ tích, góp phần làm cho mặt trận sản xuất than ngày càng sôi động, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, xứng đáng với lời Bác căn dặn “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” và tạo thương hiệu và uy tín cao.

Sản xuất than đã đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và dành một phần hợp lý để xuất khẩu, góp phần cân đối tài chính và có tích luỹ. Ngành Than đã đầu tư các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoáng sản, điện lực, hoá chất, cơ khí; đầu tư nhiều dự án khai thác ở các tỉnh thành bạn, làm thức dậy vùng Tây Nguyên đầy tiềm năng, góp phần đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trọng điểm của đất nước. Tích cực tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành Than đã tiến hành thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho công nghiệp mỏ.

Trong những năm gần đây, ngành Than chủ động, linh hoạt theo cơ chế thị trường, động viên và khơi dậy tinh thần làm chủ, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công nhân, liên tiếp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành Than đã phối hợp tốt với tỉnh Quảng Ninh trong việc lập lại trật tự trong sản xuất - kinh doanh than, bảo vệ môi trường Vùng mỏ, làm tốt công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn đã triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua lao động sản xuất giành năng suất cao, năng suất kỷ lục. Từ những phong trào ấy, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đã được các cấp vinh danh, khen thưởng, là những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa để các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức lao động học tập, phấn đấu noi theo.

Người thợ mỏ đã xây đắp truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân Vùng mỏ bất khuất, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần lao động sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang của dân tộc, của TKV thành nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác là “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”. 

Theo Huỳnh Đăng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17348 Tổng lượt truy cập 89163728