Náo nức trảy hội...

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thời tiết khô ráo, có nắng ấm đã góp phần thúc đẩy lượng người dân, khách du xuân, đi lễ tại các di tích chùa, đền, đình trên địa bàn tỉnh có phần đông đúc hơn so với mọi năm...

Nô nức du xuân

Đền Cửa Ông thu hút khách tham quan, đi lễ. Tính đến trưa mùng 5 Tết đạt khoảng 6 vạn người. Ảnh: Phan Hằng

Khu di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) bao giờ cũng hút lượng khách đi lễ thuộc diện sớm nhất, ngay từ đêm giao thừa và kéo dài sang những ngày đầu tiên của năm mới. Năm nay cũng vậy, theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin TP Cẩm Phả, tính từ đêm giao thừa đến trưa ngày mùng 5 tết, đền Cửa Ông đón khoảng 6 vạn khách, chủ yếu là người dân trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Hòa vào dòng người đi lễ đền Cửa Ông trong ngày mùng 2 Tết, chúng tôi cảm nhận sự phong quang, thoáng đãng nơi đây khi mà các công trình tu sửa, chỉnh trang gần như đã hoàn thiện. Khuôn viên đền, đường đi lối lại được vệ sinh sạch sẽ, có trang trí thêm những chậu hoa, cây cảnh cho thêm phần rực rỡ. Hệ thống cây to nay cũng đã phủ xanh trên những ngọn đồi thấp xung quanh đền tạo sự dịu mắt cho người hành hương đi lễ, ngắm cảnh. Không gian thoáng đãng, không quá đậm đặc mùi hương khói trước những điểm đền, chùa nơi đây. Người dân đi lễ đa phần ăn mặc lịch sự, kín đáo, thực hiện các quy định trong việc thắp hương, dâng lễ, thả tiền lẻ vào đĩa hoặc hòm công đức, giọt dầu, hạn chế cài giắt lên hoa quả, tượng. Ban quản lý cũng bố trí người thường xuyên gom tiền lẻ trên khay thả vào hòm, không để tràn lan... Văng vẳng trong bước chân thư thái của du khách là tiếng loa phát về lịch sử, giá trị di tích đền Cửa Ông gắn với công lao các vị thần chủ đền, gắn với sự phát triển của mảnh đất, con người Cẩm Phả. Qua đây, ban quản lý cũng nhắc nhở du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia hội xuân về trang phục, về hành xử, về ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường...  

Du khách tham quan chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn) trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Phan Hằng.

Tương tự như vậy, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn), một điểm đến hút khách dịp xuân mới, cũng tạo sự thư thái, dễ chịu khi hành hương cho du khách bởi những không gian, những con đường sạch sẽ, đầy hoa nở. Đặc biệt, nhà chùa nhiều năm nay luôn nói không với việc bán hàng rong cũng góp phần gìn giữ nét tôn nghiêm nơi cửa phật.

Yên Tử (Uông Bí) vẫn là một tuyến hành hương cần tối thiểu 1 ngày với du khách phương xa. Tuy nhiên, năm nay, chỉ trong 3 ngày đầu xuân mới, Yên Tử đã đón trên 27 nghìn lượt du khách, tăng 29,3% so với năm ngoái. Các di tích nhà Trần ở Đông Triều đón 54 nghìn khách trong những ngày đầu năm mới (tính đến sáng mùng 5 Tết), tập trung tại đền An Sinh, Thái Miếu, chùa Trung Tiết, chùa Quỳnh Lâm, Ngọa Vân... Hay như Quảng Yên đầu xuân mới đã có những tín hiệu vui khi mà các điểm di tích, đặc biệt là Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng thu hút đông đảo du khách trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... với tổng số tính đến sáng mùng 5 Tết ước đạt hơn 200 nghìn lượt khách...

 

 

 

 

 

 

Ban quản lý đền Cửa Ông bố trí người thường xuyên thu gom tiền lẻ trên khay thả vào hòm (ảnh trái) và trang trí chậu hoa, cây cảnh tạo không gian sạch, đẹp phục vụ du khách (ảnh phải). Ảnh: Phan Hằng

Không lơ là, chủ quan

Rõ ràng, việc chuẩn bị cho mùa hội xuân đã được nhiều địa phương chủ động chuẩn bị chu đáo từ sớm, nhất là các địa phương có những di tích thu hút lượng khách lớn trên địa bàn. Không chỉ có việc gìn giữ vệ sinh môi trường, trang trí, tạo cảnh quan đẹp cho khuôn viên các điểm di tích, nhiều địa phương đều có văn bản hướng dẫn tổ chức lễ hội khuyến khích gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi cho du khách, tôn vinh những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tốt đẹp của dân tộc...

Khu di tích Bạch Đằng là một trong những điểm hút khách dịp Tết tại (TX Quảng Yên). Ảnh: Ngô Đình Dũng (CTV)

Vẫn biết cứ “đến hẹn lại lên”, mùa xuân là gắn với mùa du xuân, lễ hội. Vẫn biết khâu tổ chức, quản lý lễ hội của Quảng Ninh được làm bài bản, phân cấp mạnh mẽ tới các địa phương và được đánh giá là điểm sáng trong cả nước những năm gần đây. Tuy nhiên, với thực tế môi trường lễ hội dễ phát sinh những hiện tượng tiêu cực, biến tướng, chạy theo lợi ích trước mắt, trong khi Quảng Ninh có số lượng di tích, lễ hội lớn (hơn 600 di tích, hơn 70 lễ hội), tập trung chủ yếu vào mùa xuân, thì việc các địa phương, cơ quan có trách nhiệm siết chặt quản lý, không lơ là, chủ quan ngay từ đầu mùa hội xuân là rất cần thiết. Bởi qua ghi nhận của chúng tôi, đâu đó đã có hiện tượng bán vé số cầu may cho người đi lễ trong khuôn viên di tích, thu tiền “ghế ngồi” kèm với tiền bán hàng cho khách hành hương...

Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng cần chú trọng đến việc phân luồng tuyến đảm bảo ATGT, đảm bảo ANTT, PCCN, rồi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc niêm yết giá cả, trông giữ phương tiện cho du khách, nhất là với những di tích lớn, lễ hội kéo dài, thu hút lượng khách đông...

 

Theo Phan Hằng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79399 Tổng lượt truy cập 89263124