Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, thì nâng cao năng lực cộng đồng và đội ngũ cán bộ cơ sở được xác định là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành chương trình 135.

Ban Dân tộc tỉnh tham quan, nghiên cứu các mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng lực thực hiện chương trình 135.

Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở là một trong 3 tiểu dự án được Ủy ban Dân tộc xây dựng, nhằm đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để hoàn thành chương trình 135. Để triển khai hiệu quả chương trình, bên cạnh thực hiện các dự án mang tính chất hỗ trợ trực tiếp, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... UBND tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động thông tin, tập huấn cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, nhằm nâng cao năng lực nhận thức cho cộng đồng và năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt học viên là lãnh đạo huyện, xã, cán bộ tham mưu, thành viên ban giám sát cộng đồng, trưởng, phó thôn, bản về những kỹ năng thực hiện chương trình 135. Cụ thể: Trình tự, thủ tục thi công các công trình 135; nghiệp vụ đấu thầu; quản lý ngân sách tài chính, tài sản; kỹ năng rà soát các tiêu chí đánh giá xã, thôn, bản hoàn thành mục tiêu chương trình 135; quy trình quản lý, bảo vệ các công trình hạ tầng... Cấp huyện cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ thôn, bản, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và người dân thôn, bản thuộc chương trình 135 về phát huy vai trò của người dân trong thực hiện chương trình; các mô hình, dự án phát triển sản xuất; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý chương trình 135, tháng 5/2019.

Thông qua công tác phổ biến, cung cấp thông tin, cộng đồng các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiếp thu những kiến thức cơ bản về chương trình 135; vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ thôn, bản có thêm kinh nghiệm, năng lực quản lý cộng đồng và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới... Qua đó, góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo cũng như hoàn thành mục tiêu đưa các xã, thôn, bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Ông Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm (Ba Chẽ) cho biết: Hiệu quả của Chương trình 135 phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của cộng đồng và cán bộ cơ sở. Do vậy, xã đã phân công lãnh đạo phụ trách cũng như đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Từ cách làm này, đội ngũ cán bộ thôn, bản, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế, chủ động thoát nghèo. Kết quả đó được thể hiện là năm 2018, xã Thanh Lâm đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) phấn đấu thoát xã đặc biệt khó khăn trong năm 2019, hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị; dự kiến cuối năm 2019 tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu này. Hiện tại, việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng và đội ngũ cán bộ cơ sở ở các xã, thôn, bản trong chương trình 135 đã được Ban Dân tộc tỉnh hoàn thành. là tiền đề quan trọng để 12 xã, 8 thôn còn lại của tỉnh phấn đấu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn trong năm nay.

Theo Yến Vy/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10882 Tổng lượt truy cập 91331691