Nâng cao giá trị cho vải chín sớm Phương Nam

TP Uông Bí đang tích cực đẩy nhanh tiến độ Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP, nhằm góp phần chuẩn hóa sản phẩm, tạo giá trị cao hơn cho loại nông sản này.

Cán bộ Phòng Kinh tế TP Uông Bí kiểm tra công tác chăm sóc và đánh giá cây vải chín sớm của hộ dân tham gia dự án VietGAP tại phường Phương Nam.

Vải chín sớm Phương Nam được xác định là cây ăn quả chủ lực của TP Uông Bí và được quy hoạch là sản phẩm nông nghiệp tập trung cấp tỉnh đến năm 2020. Năm 2017, vải chín sớm Phương Nam cho sản lượng thu hoạch gần 2.800 tấn, giá trị thu được trên 76 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TP Uông Bí, việc chăm sóc loại cây này của bà con nông dân vẫn chưa theo một quy trình thống nhất, kỹ thuật chậm được cải tiến dẫn đến cây bị suy thoái, sâu bệnh phát sinh nhiều và diễn biến phức tạp, khiến năng suất không ổn định. Tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tự do, chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như thương hiệu vải chín sớm Phương Nam.

Trước thực tế này, UBND TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đảm bảo VSATTP vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Dự án triển khai tại phường Phương Nam, với tổng diện tích 280ha, tổng kinh phí thực hiện gần 16 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2018 dự án chính thức được triển khai. Đến nay đã hoàn thành một số nội dung như: Phân chia, khoanh vùng có điều kiện áp dụng quy trình VietGAP; thống kê diện tích của từng hộ nằm trong từng vùng thực hiện; lấy mẫu đất, mẫu nước để đánh giá các chỉ tiêu kim loại nặng; xây dựng sơ đồ giải thửa cho diện tích triển khai. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc vải chín sớm theo quy trình VietGAP cho các cán bộ nòng cốt và hộ dân tại địa phương tham gia dự án.

Người dân trồng vải tại khu Cẩm Hồng, phường Phương Nam tham gia dự án chăm sóc, sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP rắc vôi phòng trừ sâu ăn lá và bệnh sâu nhện đỏ.

Được biết, tổng diện tích trồng vải chín sớm tại phường Phương Nam đang tham gia giai đoạn 1 của dự án là 146ha, tại 4 khu: Bạch Đằng 1 và 2, Phong Thái và Cẩm Hồng. Tất cả diện tích trồng vải chín sớm trên đều đã được bón thúc đợt 1 bằng phân hữu cơ giúp cho cây vải phát triển tốt.

Anh Bùi Đức Hùng, một trong những hộ trồng vải lâu năm tại khu Cẩm Hồng cho biết: Việc áp dụng quy trình VietGAP đối với cây vải chín sớm mang lại rất nhiều tiện ích cho bà con nông dân. Ngoài việc các gia đình được hỗ trợ về phân bón, tập huấn bài bản về cách thức chăm sóc theo quy trình thì việc theo dõi, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả hơn hẳn. Khi có vấn đề xảy ra, cán bộ phụ trách dự án luôn có mặt hỗ trợ xử lý kịp thời, khiến chúng tôi rất an tâm.

Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thực trạng vùng sản xuất; về kỹ thuật sản xuất và tập quán canh tác; cập nhật thông tin để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương...

Tính đến hết tháng 10/2018, cơ quan chức năng của thành phố đã tập huấn và cấp chứng chỉ cho 750 lượt người tham gia dự án về kỹ thuật sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt 50% kế hoạch. Trong tháng 11 và 12, TP Uông Bí sẽ tổ chức cho các hộ dân tham gia dự án tham quan học tập các mô hình sản xuất cây ăn quả theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại vùng sản xuất vải tập trung Bắc Giang và Hải Dương; hoàn thành lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 15 cán bộ cơ sở về thực hành nông nghiệp tốt, kỹ thuật sản xuất cây ăn quả nói chung, cây vải chín sớm nói riêng theo các tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23857 Tổng lượt truy cập 91171937