Một sáng kiến đa lợi ích

Hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đăng ký hơn 100 sáng kiến tham gia, đến hết tháng 5/2022 đã có 28 sáng kiến được đăng ký. Trong đó có nhiều sáng kiến không chỉ có giá trị làm lợi cao, mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội. Tiêu biểu là sáng kiến “Nghiên cứu phương pháp thay thế phân tích Cr6+ trong xi măng” của chị Nguyễn Thị Thanh.

Chị Nguyễn Thị Thanh với sáng kiến “Nghiên cứu phương pháp thay thế phân tích Cr6+ trong xi măng” đã làm lợi 183 triệu đồng/năm.

Là cử nhân công nghệ hóa học, Phó trưởng Phòng KCS (Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh), chị Thanh rất am hiểu lĩnh vực mà mình đang công tác. Những năm qua, chị đã cống hiến nhiều sáng kiến có giá trị cả về mặt kinh tế lẫn xã hội trong lao động sản xuất. “Nghiên cứu phương pháp thay thế phân tích Cr6+ trong xi măng” là sáng kiến có ý nghĩa như thế.

Chị Thanh cho biết: Nguyên tố crôm Cr(VI) là một kim loại cứng, bề mặt ánh kim, màu xám thép với độ bóng cao và nhiệt độ nóng chảy cao. Các hợp chất Cr(VI) dễ hòa tan trong nước và có hại đối với sức khỏe con người. Cr(VI) xâm nhập vào cơ thể theo 3 đường: Hô hấp, tiêu hóa và đường da. Khi tiếp xúc, hít thở, dây dính với Cr(VI) có thể mắc các loại bệnh như loét da, thủng vách ngăn mũi, viêm da tiếp xúc, chàm tiếp xúc, phổi và các dạng ung thư khác... Vì vậy, khử Cr(VI) trong xi măng là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Trong khi đó, hiện nay hàm lượng Cr(VI) trong xi măng được phân tích theo tiêu chuẩn EN196-10: 2016, thiết bị và quy trình phân tích theo tiêu chuẩn này phức tạp, thời gian phân tích mẫu kéo dài, cần khoảng 90 phút để phân tích một mẫu, nên khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và khi có sự cố bất thường sẽ không kịp thời để điều chỉnh lượng phụ gia giảm Cr(VI) sử dụng và gây tác hại lớn đến sức khỏe con người.

Sáng kiến “Nghiên cứu phương pháp thay thế phân tích Cr6+ trong xi măng” làm giảm Cr(VI) có trong xi măng góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.

Trăn trở trước thực trạng đó, chị Thanh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu phương pháp thay thế “Phân tích Cr(VI) trong xi măng". Thời gian đầu, chị Thanh cùng các đồng nghiệp sử dụng hoàn toàn hộp thuốc test của Đức 25 ống thuốc test/hộp, tuy tiện lợi nhưng giá thành cao mức 3 triệu đồng/hộp. Trong khi mỗi năm phải sử dụng đến 28 hộp.

Sau đó, chị đã nghiên cứu phương pháp test, đặt mua hóa chất và tự pha chế nên đã giảm chi phí test mẫu rất nhiều (chỉ 30.000 đồng/hộp) mà phòng thí nghiệm KCS cũng chủ động hơn với công việc theo chức năng (vì thời gian đặt mua hộp thuốc test của Đức cần khoảng 10-12 tuần). Bên cạnh đó, nếu như trước đây phụ gia Cr(VI) sử dụng trung bình/năm là 20 thùng, mỗi thùng có giá 100 triệu đồng, thì với nghiên cứu của chị Thanh, mỗi năm trung bình tiết kiệm được khoảng 5% phụ gia Cr(VI).

Ông Phạm Văn Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Theo đánh giá của công ty, phương pháp này phân tích đơn giản hơn rất nhiều, thời gian phân tích một mẫu xi măng được rút ngắn từ 90 phút xuống còn 20 phút/mẫu và đem lại lợi ích kinh tế lên đến 183 triệu đồng/năm. Do rút ngắn thời gian phân tích, nên hàm lượng Cr(VI) trong xi măng được kiểm soát tốt hơn, phụ gia khử Cr(VI) được sử dụng hiệu quả, sản xuất ra sản phẩm xi măng an toàn hơn với con người.

Chị Nguyễn Thị Thanh đăng nhập dự thi chương trình 1 triệu sáng kiến.

Chia sẻ về sáng kiến, chị Thanh cho biết: Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” có ý nghĩa rất lớn nhằm thúc đẩy tinh thần thi đua lao động sáng tạo của người lao động, góp phần đóng góp trí tuệ, sức lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, vì thế, bản thân tôi cùng các đồng nghiệp cũng tích cực tham gia. Sáng kiến “Nghiên cứu phương pháp thay thế phân tích Cr6+ trong xi măng” cũng xuất phát từ những trăn trở của tôi từ nhiều năm qua trong quá trình làm việc, đồng thời không chỉ mong muốn đem lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế, mà còn mong muốn bảo vệ sức khỏe của con người, đặc biệt là người lao động khi phải thường xuyên tiếp xúc với xi măng. 

Theo Thanh Hằng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8642 Tổng lượt truy cập 91147128