Một hồn thơ lãng du và mơ mộng

Mặc dù rất bận rộn với công việc trên trận tuyến bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng với tình yêu văn chương, Trịnh Hoài Phương đã sáng tác nhiều bài thơ chân thành, xúc động. Thơ ca cũng là nguồn động viên giúp anh hoàn thành nhiệm vụ.

Tác giả Trịnh Hoài Phương.

Thoạt nhìn qua, nhiều người sẽ cho rằng với Trịnh Hoài Phương, thơ ca và công việc có gì đó rất trái ngược. Nhưng cả thơ và đời đều có điểm chung, đó là những cuộc lãng du. Đọc thơ Trịnh Hoài Phương chắc hẳn nhiều người sẽ thích thú cái chất lãng tử, mơ mộng như “Mái chèo khoả nước long lanh/ Bóng mây, bóng núi tròng trành mắt ta/ Đỉnh miền tối sáng mờ xa/ Cánh chim về tổ chao qua mặt hồ/ Ta đi thả lưới vu vơ/ Vớt con sóng bạc vào thơ cuối chiều (Hoàng hôn trên hồ). Thế nhưng, đây là cuộc lãng du của kẻ độc hành cô đơn giữa đời “Em chợt đến rồi xa xôi im lặng/ Ta vào đêm thăm thẳm phía không trăng/ Em để lại cho ta mùa thu/ mang đi màu cúc tím/ Ta bỗng thành kẻ hành khất/ lặng im” (Một nửa).

Phiêu du trong trường đời chẳng vui, đến phiêu du trong trường tình thì cũng chẳng khá hơn “Mà sao em không theo đuổi mùa xuân/ Nỗi háo hức kiếp phong trần thèm khát/ Em ngược dòng đi về miền sỏi cát/ Trắng sườn lau thông lang bạt bao đời” (Cảm ơn em đã yêu kẻ dại khờ). Xét cho cùng cái sự phiêu du ấy là vô định “Xông xênh gửi nắng cho trời/ Gửi mây cho gió, gửi lời cho mưa/ Bốn mùa mê mải sớm trưa/ Say sưa đi nhặt cái chưa có gì” (Xông xênh).

Khi đã mỏi mệt với những giấc mơ, Trịnh Hoài Phương quay về phiêu du trong câu hát ru của mẹ, trong thế giới cổ tích tuổi thơ “Đã xa thời con vạc con nông/ Xa cánh cò chập chờn giấc ngủ/ Bây giờ con của con/ Cơn gió thoảng trong câu ca dao ấy/ Con ru bằng khắc khoải thời gian/ Bằng giọt mồ hôi đồng tiền/ Xa vời vợi lời ru năm trước…/ Con mong ước lời ru bay ngược/ Con thèm lại ngày thơ con” (Lời ru của mẹ).

Không chỉ tìm về với thế giới tuổi thơ, Trịnh Hoài Phương còn tìm về với tư tưởng Phật giáo. Có thể nói, ở Quảng Ninh hiện nay, trong số những người làm thơ về Phật giáo nhiều nhất có Trịnh Hoài Phương. Thơ anh nương tựa vào cảm quan Phật giáo mà đứng vững trong lòng bạn đọc. Trong thơ, Trịnh Hoài Phương thẳng thắn nhìn nhận mình chưa phải là kẻ nhập đạo mà chỉ mon men đến với đạo. Có vậy mới nhìn rõ hơn, sâu hơn cảm nhận được sự thay đổi dù nhỏ nhất ở đời “Chông chênh bên bờ đạo/ Thuyền ai đi vẫn đầy” (Phiêu du Yên Tử). Nữ tác giả thơ Lại Tuấn Hiền nhận xét: Tôi rất thích hai câu thơ "Chông chênh bên bờ đạo/ Thuyền ai đi vẫn  đầy". Có gì đó xót xa, nuối tiếc? Người thơ thời nào cũng vậy. Một thoáng thoát ra khỏi cõi đời đầy chông chênh này để “Nhặt bông thanh thản”, “Uống rượu cùng hương cỏ”, với mây gió chẳng phải là thú vui rất mực của người thơ sao.

Trịnh Hoài Phương là công an mới nghỉ hưu, từng gắn bó với đồng bào các dân tộc ở Bắc Sơn, Vàng Danh của TP Uông Bí. Thực tế những năm tháng đó đã giúp anh có được những câu thơ như viết ra từ gan ruột của mình về mỗi miền đất, mỗi số phận mà anh đã gặp. Có lẽ, công việc của một chiến sĩ công an và việc làm thơ có điểm chung ở chỗ đều hướng thiện. Công an trấn áp tội phạm, đẩy lùi cái xấu, bảo vệ và nhân rộng cái thiện thì anh cũng luôn hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Bạn hữu chúc mừng Trịnh Hoài Phương vừa có tập thơ đoạt giải thưởng.

Không chỉ cảm thông với con người lầm lỗi, Trịnh Hoài Phương thể hiện cái nhìn nhân văn với cả cỏ cây, muông thú “Rừng thông sớm lạnh quấn khăn mây/ Gió đang ngái ngủ ở trong cây/ Chú hoẵng tìm đàn đang ngơ ngác/ Người buông tay súng/ Ngắm mê say” (Trong rừng). Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, anh có nhiều thời gian hơn để dành cho thơ, để chiêm nghiệm về những tháng ngày mình đã đi qua. Với những đóng góp của mình, Trịnh Hoài Phương đã nhận được nhiều giải thưởng của TP Uông Bí, của tỉnh và của ngành công an.

Theo Phạm Học/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 37167 Tổng lượt truy cập 91131347