Mấy suy nghĩ từ hai cuốn sách viết về Yên Tử

Cư sĩ Tâm Phương Vân (tên thật Nguyễn Văn Thái) vừa xuất bản cuốn sách Nét độc đáo văn hóa dân gian vùng Yên Tử (Nhà Xuất bản Văn học, năm 2020) hơn 200 trang. Cuốn sách giới thiệu về sự hình thành dãy núi Yên Tử. Ngoài ra, tác giả đã cho người đọc biết khá nhiều về nếp sống văn hóa của cư dân vùng Yên Tử, như về phong tục tập quán, văn học dân gian, đời sống tâm linh hệ thống chùa, am, tháp, tượng Phật… nhưng càng đọc, tôi càng thấy có cái gì đó giông giống với một cuốn sách nào đó mà tôi đã đọc.

Tôi tìm cuốn Chùa Yên Tử - Lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, tái bản lần thứ 7 vào năm 2011) của Trần Trương. Trần Trương đam mê, hiểu và viết về Yên Tử khá kỹ lưỡng vì anh từng là Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Yên Tử 11 năm (1992 - 2003). Từ lâu, bạn bè gọi anh với cái tên trìu mến “Nhà Yên Tử học”.

Bìa cuốn sách Chùa Yên Tử lịch sử - truyền thuyết và danh thắng của Trần Trương.

Viết về chùa Động Rồng (nay gọi là Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử), hai cuốn sách cũng có sự trùng lặp. Trần Trương viết: “Sau khi vượt bè vào Yên Tử, thày trò Bảo Sái nghỉ qua đây. Đêm ấy, vua nằm mơ cưỡi trên lưng Rồng vàng. Rồng vươn cổ bay đi, đưa vua du lạc vào động lớn. Phía dưới có hồ nước xanh nở đầy hoa sen vàng. Những cánh lá sen được đúc bằng bạc, hương hoa sực nức thơm. Mỗi cánh hoa tỏa một vầng hào quang. Mỗi lá bạc phát ra muôn tiếng nhạc. Rồng vàng chở vua đi chơi trong hồ sen trong động rồi lại đặt vua lên đài sen. Vua giật mình tỉnh giấc. Hương sen còn thoang thoảng, tiếng nhạc còn dư âm. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ dị kỳ cho Bảo Sái nghe. Thày trò thắp lửa. Lạ thay: Có bầy Rồng đất từ đâu mò về nằm kề bên. Thấy động, chúng quất đuôi chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi Rồng ở, bèn đặt cho tên là Động Rồng. Về sau, nơi đây xây dựng một ngôi chùa. Chùa mới mang tên Long Động Tự (Chùa Động Rồng)” (trang 47, 48 - Chùa Yên Tử).

Lướt nhanh cuốn sách, tôi đã tìm thấy một số nội dung cần tìm. Trước hết là trang 33 của Chùa Yên Tử - Lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng (sau đây xin gọi tắt là Chùa Yên Tử…) và trang 81 Nét độc đáo văn hóa dân gian vùng Yên Tử (xin gọi tắt là Nét độc đáo…). 

Ở trang 33, cuốn sách của mình, Trần Trương viết: “Trưa hè oi ả. Tiếng suối mùa mưa reo réo rắt hòa với tiếng chim rừng ca lảnh lót. Hoa rừng muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt. Bụi đường trường quyện lẫn mồ hôi khiến cả hai bức bối. Vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh”.

Trang 81 cuốn sách của mình, Nguyễn Văn Thái viết: “Trưa hè oi ả, vua Trần nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Tiếng nước réo rắt hòa với tiếng chim rừng lảnh lót, hoa muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt”. Hai đoạn văn ở hai cuốn sách đã có sự giống nhau, khác chăng chỉ là sự bớt từ và sắp xếp lại câu mà thôi.

Trang 82 và 83 “Nét độc đáo…” lại viết: “Sau khi vượt bè vào Yên Tử, thày trò Bảo Sái nghỉ qua đây. Đêm ấy, vua nằm mơ cưỡi trên lưng Rồng vàng. Rồng vươn cổ bay đi, đưa vua du lạc vào động lớn. Phía dưới có hồ nước xanh nở đầy hoa sen vàng. Những cánh lá sen được đúc bằng bạc, hương hoa sực nức thơm. Mỗi cánh hoa tỏa một vầng hào quang. Mỗi lá bạc phát ra muôn tiếng nhạc. Rồng vàng chở vua đi chơi trong hồ sen trong động rồi lại đặt vua lên đài sen. Vua giật mình tỉnh giấc. Hương sen còn thoang thoảng, tiếng nhạc còn dư âm. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ dị kỳ cho Bảo Sái nghe. Thày trò thắp lửa. Lạ thay: Có bầy Rồng đất từ đâu mò về nằm kề bên. Thấy động, chúng quất đuôi chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi Rồng ở, bèn đặt cho tên là Động Rồng. Về sau, nơi đây xây dựng một ngôi chùa. Chùa mới mang tên Long Động Tự (Chùa Động Rồng)”.

Đây là đoạn văn mà hai tác phẩm đều viết, giống nhau không khác một từ, tôi xin được để chữ nghiêng đoạn trích từ “Nét độc đáo…” để bạn đọc dễ nhận ra và so sánh.

Viết về Hòn Ngọc - Mắt Rồng và về An Kỳ Sinh, cả hai cuốn chỉ khác nhau vài từ. Trang 82 cuốn “Chùa Yên Tử…” viết: “Tục truyền: Ngày xưa, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh về núi hái thuốc luyện linh đan. Khi ngang qua đây, ông giật mình sửng sốt bởi nhận ra triền núi cao trước mặt giống hệt như mặt Rồng, có trán, mắt, mũi, miệng Rồng, đủ cả. Miệng Rồng phát ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Bằng con mắt pháp thuật, ông nhận ra đó là viên Ngọc Rồng do tinh khí của đất trời tạo nên. Ông ta biết vậy, lặng lẽ lên đỉnh núi. Vài ngày sau, Yên Kỳ Sinh xuống núi, đến chỗ viên Ngọc Rồng bữa trước. Một cảnh tượng dị thường đang diễn ra trước mắt. Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được tạo ra - hòn ngọc trong miệng Rồng đã nhả. Khí thiêng phun ra tỏa mịt mù".

Trang 79 “Nét độc đáo…” viết: “Tương truyền rằng, đạo sĩ An Kỳ Sinh về núi hái thuốc luyện linh đan. Khi ngang qua đây (tức khu Hòn Ngọc - Mắt Rồng)bỗng giật mình sửng sốt bởi nhận ra triền núi cao trước mặt giống hệt như mặt rồng, có trán, mắt, mũi, miệng rồng, đủ cả. Miệng rồng phát ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Bằng con mắt pháp thuật, ông nhận ra đó là viên ngọc rồng do tinh khí của đất trời tạo nên. Ông ta biết vậy, lặng lẽ lên đỉnh núi.Vài ngày sau, An Kỳ Sinh xuống núi, đến chỗ viên ngọc rồng bữa trước. Bỗng một cảnh tượng dị thường đang diễn ra trước mắt. Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được sinh ra - hòn ngọc trong miệng rồng đã nhả. Khí thiêng phun tỏa mịt mù”.

Đọc đoạn văn này của hai cuốn sách, ta nhận thấy cơ bản giống nhau về câu, từ. Trong cuốn “Nét độc đáo…” có một vài từ khác, tôi để chữ nghiêng cho độc giả dễ nhận. Ở đây, tác giả không dùng tên Yên Kỳ Sinh mà dùng tên An Kỳ Sinh và các chữ Rồng - Ngọc đều không viết hoa như trong cuốn “Chùa Yên Tử…”.

Còn khá nhiều những đoạn văn mà hai cuốn sách có sự giống nhau về câu chữ. Đặc biệt, tôi giật mình khi phát hiện ra từ trang 86 đến trang 93 sách "Nét độc đáo..." của Nguyễn Văn Thái đã "bê nguyên văn" câu chữ từ trang 159 đến trang 168 và một đoạn ở trang 170 trong sách "Chùa Yên Tử..." của Trần Trương. Đây  là đoạn văn dài, cốt yếu cho độc giả biết lý do vì sao vua Trần Nhân Tông lại trút bỏ hoàng bào, mặc cà sa và chọn Yên Tử để làm nơi tu hành.

Tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định những đoạn văn được nêu trên là "đạo văn", vi phạm bản quyền (quyền tác giả) theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng nó rất giống văn của Trần Trương. Có nhiều câu, nhiều đoạn và nhiều trang giống như hai giọt nước. Ai cũng biết trong quá trình viết, các tác giả có thể trích đăng những đoạn văn của người khác làm phong phú thêm những cứ liệu cho mình, nhưng phải để câu văn ấy vào trong ngoặc kép và phải ghi rõ tư liệu ấy được trích dẫn từ đâu, tác phẩm gì, trang bao nhiêu... Cuốn sách này có rất nhiều đoạn văn giống cuốn “Chùa Yên Tử…” của Trần Trương, không được đưa vào trong ngoặc kép. Trích dẫn như vậy, theo tôi là không được, mặc dù cuối sách đã có hẳn một Thư mục tham khảo (từ trang 211 đến 225), riêng tác giả Trần Trương được liệt kê 5 cuốn.

Bìa cuốn sách Nét độc đáo văn hoá dân gian vùng Yên Tử của cư sĩ Tâm Phương Vân (Nguyễn Văn Thái).

Đọc “Nét độc đáo…” của Nguyễn Văn Thái, tôi còn thấy những điều gờn gợn, nhưng ở đây tôi chỉ nêu hai điều:Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, cuốn “Nét độc đáo…” dày 227 trang, có khá nhiều câu, đoạn, trang văn giống của Trần Trương trong cuốn “Chùa Yên Tử…”, trong khi tác giả đã dùng để tham khảo tới 62 cuốn sách khác. Liệu những câu văn ở những cuốn sách kia có được tác giả đưa vào cuốn này không? Nếu đúng như vậy thì chỉ là một cuốn sách “tập hợp sao chép”, đâu phải là sáng tạo!

Thứ nhất, tác giả viết về An Kỳ Sinh: “Truyền thuyết kể rằng: Xưa có một tên ăn trộm Yên Kỳ sau khi đã cùng đường bí lối thì giác ngộ nên đã khoác áo đi tu. Sau khi đã mãn phần thì linh hồn đã an trú vào một hòn đá, sừng sững như một nhà sư đang thỉnh tọa để tiếp tục tu hành” (trang 12 - Nét độc đáo…).

Thứ hai, tác giả viết: “Cũng trên Yên Tử, tại Tháp Tổ, cũng có một cột đá mô phỏng hình dáng của linga" (trang 156 - Nét độc đáo…). Tôi cố gắng tìm trong trí nhớ vì đã nhiều lần đến Yên Tử, cột đá này dựng chỗ nào ở Tháp Tổ. Chỉ còn một cột đá cao hơn một mét dựng ngay trước tượng Phật Hoàng trong Tháp Tổ. Phải chăng đó chính là cột đá mà Nguyễn Văn Thái nói tới?

Quả thật, tác giả bạo tay viết. Tôi biết rất nhiều nơi thờ sinh thực khí, nhưng ở Yên Tử thì phải xem lại. Qua đây, tôi rất muốn các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử hãy làm rõ tác phẩm “Nét độc đáo Văn hóa dân gian vùng Yên Tử” của Nguyễn Văn Thái có đạo văn không? Dùng cứ liệu lịch sử có đúng không? Khi đã làm rõ đúng là đã đạo văn và những cứ liệu không có căn cứ thì sớm thu hồi cuốn sách này vì sách đang được bày bán tại Yên Tử.

 

Theo Nguyễn Xuân Vinh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9105 Tổng lượt truy cập 91147863