Linh hoạt các giải pháp xúc tiến đầu tư trong tình hình mới

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận ĐKĐT cho đại diện Công ty Jinko Solar Hong Kong thực hiện đầu tư vào KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên.

Tính từ đầu năm đến nay, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) đã chủ trì, phối hợp tiếp đón 9 đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong đó có 5 đoàn đến từ nước ngoài và 4 đoàn trong nước. Các đoàn đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản... tập trung nghiên cứu các lĩnh vực về công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Công tác đón tiếp các đoàn luôn đảm bảo chu đáo, chuyên nghiệp, cung cấp tối đa các thông tin theo đề nghị của đối tác và thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi kịp thời phục vụ cho đối tác trong việc nghiên cứu ra quyết định đầu tư. Ban cũng thường xuyên chủ động kết nối, làm việc, liên lạc với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư như KOTRA, JETRO, KORCHAM, KCCI, Công ty Cổ phần DeepC Nga… để nắm bắt tình hình xu hướng đầu tư thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời trao đổi và cung cấp các tài liệu liên quan để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, Ban tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tích cực chăm sóc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin về môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn; đẩy mạnh việc duy trì hướng dẫn các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, thủ tục đầu tư qua email, điện thoại, website và hướng dẫn trực tiếp tại Trung tâm hành chính công của tỉnh; tăng cường công tác chăm sóc hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng như: Tập đoàn Iris Ohyama Nhật Bản, Tập đoàn GS E&C, Tập đoàn TH, VinGroup, FLC, Foxcon…

Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, IPA đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến liên quan đến xúc tiến đầu tư để tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới xúc tiến đầu tư. Qua đó, đã tham gia thành công được nhiều buổi tọa đàm như: chính sách lĩnh vực phụ tùng ô tô tại thành phố Hà Nội trong tháng 4/2021; hội nghị trực tuyến "Thách thức Hội nhập Quốc tế đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa Ấn Độ - Mê Kông" do Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) thuộc Bộ Công thương tổ chức trong tháng 5/2021…Cùng với đó, việc tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư tronh thời gian tới cũng luôn được IPA chú trọng thực hiện.

Chia sẻ tại buổi làm việc trực tuyến với IPA vào đầu tháng 7/2021 về việc đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản chuyên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics năm 2021, ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện JETRO Hà Nội cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đổi mới, linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho những doanh nghiệp như chúng tôi đến tìm hiểu và đầu tư. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Quảng Ninh là địa điểm rất hợp lý để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh cung cấp thông tin, tài liệu, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến tìm hiểu trong thời gian tới là rất cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ luôn đồng hành cùng với Quảng Ninh trong việc kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản tới nghiên cứu đầu tư.

Đại diện IPA Quảng Ninh làm việc trực tuyến với JETRO Hà Nội về công tác tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics tại Quảng Ninh năm 2021, dự kiến vào tháng 8.

Tính từ đầu năm đến nay, IPA Quảng Ninh đã thực hiện tiếp nhận và xử lý được 31 hồ sơ nghiên cứu lập quy hoạch; tiếp nhận và xử lý 45 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 63,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp tại các địa bàn Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đầm Hà. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tiếp nhận, xử lý 6 tháng đầu năm 2021 tăng 32,3%; số lượng dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư giảm 40% với cùng kỳ, nhưng tổng mức đầu tư tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Thường trực IPA Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, song song với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, IPA sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm với những giải pháp thu hút đầu tư thiết thực, hiệu quả. Trong đó tiếp tục rà soát các dự án do IPA tham mưu và thực hiện để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nói chung và năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương; phối hợp với các bên liên quan tổ chức các Hội nghị xúc tiến trực tuyến, trực tiếp về các lĩnh vực chế biến, chế tạo, logistics, dược phẩm.

 

Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 22323 Tổng lượt truy cập 89171305