Khuyến nghị xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong bối cảnh hiện nay

Cùng với những thách thức của sự phát triển xã hội thông tin, yêu cầu cấp bách của việc bảo vệ nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các thế lực thù địch đòi hỏi cần phải nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, tìm kiếm giải pháp và mô hình tối ưu hóa xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở nước ta hiện nay.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội thông tin, “thông tin đang trở thành vấn đề trung tâm, từ đó, dẫn dắt, hình thành một dạng xã hội mới”(1), nơi thông tin luôn được xem ở vị trí trung tâm chiến lược trong mọi hoạt động, với cơ chế và phương thức tác động đặc thù (khác với các công cụ thông tin truyền thống). Trong xã hội thông tin, các dòng chảy thông tin tác động trực tiếp đến thể chế chính trị, đến hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng, đến sự phát triển của lĩnh vực khoa học - công nghệ, đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia - nền kinh tế dựa vào thông tin- tri thức, tác động đến nền văn hoá cũng như lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu nghề nghiệp ở Việt Nam. Và ngược lại, chính bối cảnh phát triển xã hội thông tin của một quốc gia, cơ chế, chính sách và hệ thống quy phạm pháp luật của một quốc gia về thông tin, truyền thông và quản lý thông tin truyền thông, - với một nền tảng kiến thức, kỹ năng, văn hoá và đặc thù tâm lý, lại là những yếu tố gây ảnh hưởng đến việc tham gia và tiếp cận, tiếp nhận thông tin của công chúng. Công chúng khó thẩm định thông tin trên môi trường truyền thông số hơn so với môi trường báo chí truyền thông truyền thống. Đó chính là vấn đề đặt ra cho việc đề xuất các giải pháp, khuyến nghị xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở Việt Nam hiện nay.

Theo Unesco, có  7 loại thông tin sai lệch, xuyên tạc là: 1). Châm biếm hoặc chế nhạo: Thông tin không có ý định gây hại nhưng có khả năng lừa gạt. 2). Nội dung gây hiểu lầm: Sử dụng thông tin gây hiểu nhầm để đóng khung vấn đề hoặc cá nhân. 3). Nội dung mạo danh: Trong đó, các nguồn tin thật bị mạo danh. 4). Nội dung bịa đặt: nội dung mới 100% là giả, được thiết kế để lừa dối hoặc gây hại. 5). Liên kết sai: Khi tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ cho nội dung. 6). Bối cảnh sai: Nội dung chia sẻ về thông tin được đặt trong bối cảnh sai. 7). Nội dung nguỵ tạo: Nội dung thông tin hoặc hình ảnh thật bị tác động để lừa gạt người đọc, người nghe, người xem. 

Để góp phần xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong bối cảnh hiện nay, xin đề xuất một số kiến nghị khoa học như sau:

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược quốc gia về xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và thực tiễn hiện nay, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống chiến lược mang tầm quốc gia về vấn đề xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong thời gian tiếp theo. Trong đó, cần có lộ trình rõ ràng về mục tiêu, giai đoạn, cách thức, kết quả… để đảm bảo vấn đề này có hiệu quả thực sự và phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm cho việc xử lý chính xác, kịp thời thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có liên quan đến quyền lợi, sinh mệnh chính trị của từng tổ chức, cá nhân. Vì vậy, rất cần một hệ thống quy định pháp lý để đủ sức răn đe và không để bỏ lọt tội phạm, đồng thời không để xảy ra tình trạng oan sai, tùy tiện. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là phải nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo sự thống nhất trong mọi trường hợp và trong phạm vi toàn quốc, tránh mỗi nơi vận dụng xử lý một kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách cần tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý thông tin sai lệch thành một tài liệu có hệ thống để khi thực thi không mất nhiều thời gian tra cứu, viện dẫn quá nhiều văn bản.

Qua khảo sát cho thấy thực tiễn đòi hỏi phải có văn bản mang tính pháp lý quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, tổ chức, biên chế của các cơ quan trên trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Việc phối hợp xử lý hành vi vi phạm cũng cần phải được quy định rõ trong công tác quản lý nhà nước. Cần quy định rõ hành vi vi phạm nào thuộc phạm vi quản lý, xử lý của lực lượng công an, hành vi nào thuộc phạm vi quản lý, xử lý của cơ quan thông tin, truyền thông, hành vi nào thuộc phạm vi quản lý, xử lý của cơ quan văn hóa, thể thao, du lịch… 

Trong thời gian tới, cần chỉ đạo nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin tội phạm về công nghệ cao, công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên cơ sở các mối quan hệ đã thiết lập, cần có cơ chế, quy định việc tiếp nhận, xử lý và trao đổi thông tin liên quan đến tình hình phát tán thông tin giả, thông tin xấu, độc do các nước cung cấp và trao đổi, từ đó phát hiện, điều tra làm rõ nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc để đấu tranh triệt phá tận gốc. Đồng thời, thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan ban hành quy ước pháp lý quốc tế về phòng chống tội phạm công nghệ cao, về an ninh mạng. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động độc quyền của các mạng nước ngoài.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy tổ chức, đổi mới hoạt động và tăng cường nguồn lực của Ban chỉ đạo 35 các cấp.

Hiện nay, hoạt động của ban chỉ đạo 35 các cấp thường gặp nhiều khó khăn do hầu hết cán bộ kiêm nhiệm, lực lượng chuyên trách rất mỏng, phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau và quan trọng là không đủ quyền lực để quyết định những vấn đề hệ trọng kịp thời. Trên thực tế, nhiều ban chỉ đạo ở cơ sở hoạt động không hiệu quả, mang tính hình thức, tham mưu là chính chứ chưa phải là cơ quan trực tiếp tác chiến nên không có hoạt động cụ thể hoặc chỉ tập trung vào một vài cơ quan nào đó như tuyên giáo, công an, quân đội, còn các lực lượng khác tham gia rất mờ nhạt.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí, điều kiện làm việc cho các lực lượng, đơn vị chức năng.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, sử dụng đội ngũ chuyên gia có chất lượng cao và phát triển lực lượng có tính toàn dân rộng rãi.

Xây dựng, phát triển đội ngũ những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, cán bộ tuyên giáo, cán bộ chuyên trách từ các ban Đảng, nhất là Ban Tuyên giáo các cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện trực thuộc, các trường chính trị cấp tỉnh, các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan. Trong đội ngũ cán bộ nòng cốt này, cần chú trọng đặc biệt việc xây dựng, phát triển đội ngũ  chuyên gia có trình độ cao, am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và pháp luật quốc tế, hiểu sâu một số lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tâm lý và các lý thuyết truyền thông, am hiểu lịch sử dân tộc và cách mạng, nắm vững lý luận và thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật, có trình độ ngọai ngữ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tác chiến trên không gian mạng, có năng lực quản lý truyền thông, quản trị khủng hoảng... Cần có quy định bắt buộc phải tham vấn chuyên gia trong xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc. Quy định rõ trong quy trình xử lý bắt buộc phải tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi, tham vấn để tiếp thu được những ý kiến đúng đắn nhất.

Xây dựng lực lượng tham gia xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có tính toàn dân rộng rãi, đều khắp. Nhân dân tham gia vào việc phát hiện, nhận diện nội dung, tính chất, bản chất thông tin, xác định nguồn thông tin. Nhân dân tham gia viết bài phê phán, viết các bình luận phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng. Nhân dân tham gia giám sát quy trình xử lý thông tin. Nhân dân chủ động trên không gian mạng, trở thành những chiến binh thông thái, có trách nhiệm trên không gian mạng…

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện qui trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Việc xử lý thông tin sai lệch xuyên tạc cần trải qua bốn giai đoạn cơ bản: (1) Giai đoạn nghiên cứu và nhận diện; (2) Giai đoạn lập phương án xử lý và chuẩn bị; (3) Giai đoạn thực thi các giải pháp xử lý; (4) Giai đoạn phục hồi và rút kinh nghiệm.

Đi liền và gắn bốn giai đoạn (mỗi giai đoạn lại bao gồm các công việc có tính bắt buộc tương ứng) trong xử lý thông tin thông tin sai lệch, xuyên tạc là một quy trình với các bước xử lý thông tin sai lệch xuyên tạc cụ thể 9 bước cơ bản: (1) Nhận diện ban đầu thông tin sai lệch, xuyên tạc; Báo cáo cấp trên; (2) Chủ trì thảo luận, kết luận về nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc; (3) Tiến hành thẩm định nguồn tin và xác định các chiều tác động, ảnh hưởng; xin tư vấn Tổ chuyên gia và đề xuất hướng xử lý và kế hoạch xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc; 4) Ra các quyết định xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc; (5) Tiến hành các biện pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc; (6) Truyền thông sau khủng hoảng (nếu cần); (7) Lưu, bổ sung, cập nhật hồ sơ, dữ liệu; (8) Đánh giá tác động và đánh giá hiệu quả, phản hồi; (9) Rút kinh nghiệm, Lên kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cho tương lai.

Thứ sáu, thảo luận và xây dựng một bộ nguyên tắc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc: lợi ích tốt nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân.

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc là một phương diện, một nội dung của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và Nhân dân. Nói cách khác, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc không có mục đích tự thân mà nó phải nhằm mục đích tối cao là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của quốc gia – dân tộc. Việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên có mục đích trực tiếp là loại bỏ những thông tin đó ra khỏi đời sống tinh thần xã hội, không để chúng ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chống lại tác động trái chiều của chúng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, là tạo lập, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố, nâng cao lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, với chế độ và với con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta, bằng trí tuệ và nhãn quan chính trị, kinh nghiệm lịch sử, đã lựa chọn. Nhưng mục đích trực tiếp này, xét đến cùng, chỉ là mục đích mang tính phương tiện, mục đích “chống”, còn mục đích tối cao của việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc chính là nằm ở mặt “xây” của nó, tức là nhằm bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ bảy, đổi mới và áp dụng có hiệu quả các giải pháp về phương tiện kỹ thuật - công nghệ.

Dựa trên tỉ lệ đánh giá cơ sở vật chất, công nghệ của chủ thể xử lý thông tin sai lệch xuyên tạc thì hạ tầng công nghệ ở các cơ quan chức năng trong diện nghiên cứu chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu thực hiện công tác này. Các giải pháp kỹ thuật - công nghệ nhằm quản lý và kiểm soát thông tin thường sử dụng là: kỹ thuật lọc nội dung, kỹ thuật lọc theo từ khoá...

Bài toán giải pháp kỹ thuật - công nghệ đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý các thông tin thù địch, sai trái:

Một là, phát hiện và cảnh báo các xu hướng xã hội đang diễn ra trên các trang báo mạng điện tử, truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử chính thống và phi chính thống.

Hai là, dự báo các nội dung hoặc thảo luận có nguy cơ bùng phát.

Ba là, tự động rà quét và phát hiện sớm các trang web, tài khoản mạng xã hội, nhóm, fanpage… về các chủ đề cần quản lý thông qua cơ sở dữ liệu danh sách lọc.

Bốn là, có khả năng tự động can thiệp và làm giảm kịp thời số lượng bài viết theo hướng tiêu cực (có thể sử dụng bot: các bot này thường có thể xử lý nhiều tác vụ. Một vai trò bổ sung của các IRC bot có thể ẩn sau nền của một kênh hội thoại, bình luận về một số cụm từ mà người tham gia thốt ra dựa trên việc so trùng mẫu (pattern matching). Điều này đôi khi được dùng để kiểm duyệt những lời lẽ mang tính chất tiêu cực, phỉ báng…).

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật- công nghệ như: bảo vệ tốt thông tin cá nhân; kỹ thuật chống phát tán thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng; kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ, khóa tài khoản của các thế lực phản động... Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên không gian mạng hiện nay. 

Một trong những biện pháp cơ bản của vấn đề này là ngắt kết nối internet hoặc cấm truy cập những trang web liên quan. Chặn kết nối là giải pháp cứng nhắc có thể gây khó khăn cho điều tra, đánh giá tình trạng bất ổn và tìm nguồn gốc dấu vết việc phát tán thông tin xấu, độc và nguồn hỗ trợ tài lực, vật lực từ các quốc gia, tổ chức thù địch. Thay vì đó, đội ngũ nhân sự chuyên về kỹ thuật công nghệ có thể thực hiện việc kiểm soát thông tin một cách hợp lý hơn như hạn chế một số hoạt động trực tuyến, thu thập thông tin chính xác về nguồn phát tán, kích động tư tưởng thù địch của các phần tử/nhóm phần tử phản động...

TS. Lê Thu Hà

Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

(1) Webster, F: Theories of the information society, Abingdon, Oxon: Routledge, 2014, tr.8.

Theo tuyengiao.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11305 Tổng lượt truy cập 91151404