Không tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát, để phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi được xem là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất trên đàn lợn hiện nay do chưa có vắc-xin phòng chống, tốc độ lây lan rất nhanh. Sau một thời gian "tạm lắng", hiện dịch bệnh này đã trở lại, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người chăn nuôi, nhất là trong thời điểm tái đàn lợn đang được đẩy mạnh. Liên quan đến việc tái đàn lợn, đảm bảo tăng trưởng trong ngành chăn nuôi, cũng như đời sống cho các hộ nuôi, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.

- Xin ông cho biết về tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện nay diễn biến như thế nào trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng?

+ Qua tổng hợp của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi trong nước đã tái xuất hiện tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Trong đó, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy khoảng 1,22 triệu con.

Tại Quảng Ninh, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện đầu tiên tại huyện Ba Chẽ ngày 6/5/2020. Đến thời điểm này, bệnh đã xuất hiện tại 7 huyện, thành phố, gồm: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hạ Long, Uông Bí, Hải Hà, trên đàn lợn của  65 hộ thuộc 25 thôn, khu của 19 xã, phường, thị trấn. Trong đó, tổng số lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy là 176 con; trọng lượng 6,1 tấn.

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh được xác định là do mua con giống trôi nổi từ các thương lái bán rong, bị nhiễm mầm bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Do tính chất phức tạp của bệnh là chưa có vắc xin chữa trị đặc hiệu, diễn biến thời tiết nóng nực về mùa hè, việc mua con giống lợn trôi nổi của một số hộ chăn nuôi như hiện nay, cùng với điều kiện chăn nuôi, an toàn sinh học kém... nên nguy cơ dịch có thể tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

- Mức độ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đến đời sống, sản xuất của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

+ Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.731 hộ/968 thôn, khu thuộc 162 xã, phường tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dịch bệnh đã làm 144.504 con lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy, chiếm khoảng 38,8% tổng đàn, khối lượng tiêu hủy lên đến gần 7.000 tấn. Tổng kinh phí đã chi cho công tác phòng, chống dịch trên 380 tỷ đồng. Dịch tả lợn châu Phi đã gây những thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đơn cử như từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi, sản xuất chăn nuôi lợn đã giảm mạnh về tổng đàn, sản lượng thịt.

Riêng đối với các hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn, nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi đã chịu thiệt hại không nhỏ do phải chấp hành việc trống chuồng, tái đàn theo quy định, nên đã ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Tại các địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn như Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà... nhiều hộ nuôi gặp khó khăn, một số phải chuyển hướng chăn nuôi đối tượng khác để đảm bảo cuộc sống.

Hộ nuôi tại xã Hải Tiến (TP Móng Cái) phun khử trùng tiêu độc cho chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Thanh
Hộ nuôi lợn tại xã Hải Tiến (TP Móng Cái) phun khử trùng tiêu độc chuồng trại.

- Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành Nông nghiệp có khuyến cáo gì với các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn trong thời điểm này, thưa ông?

+ Thời điểm này, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh chỉ đạo những cơ sở, hộ chăn nuôi lợn các địa phương, thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó, chọn lọc các hộ chăn nuôi có đủ các điều kiện về chuồng trại, nhân lực, nguồn lực... để tái đàn. Đặc biệt, khuyến cáo và tiến tới loại bỏ chăn nuôi lợn trong các khu đông dân cư, mất vệ sinh và khó kiểm soát về dịch bệnh. Việc tái đàn lợn phải chấp hành đăng ký kê khai chăn nuôi ban đầu với chính quyền; ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; không thực hiện tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát. Đồng thời, thực hiện tái đàn theo lộ trình quy định, trong quá trình tái đàn cần phải có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y; thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, đối với các hộ, cơ sở thực hiện tái đàn thời điểm này tuyệt đối không mua lợn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đặc biệt là lợn của các thương lái bán rong. Nghành Nông nghiệp cũng khuyến khích chăn nuôi lợn nái sinh sản để cung cấp con giống tại chỗ, góp phần an toàn về dịch bệnh. Mặt khác, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; chấp hành tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường).

Sở NN&PTNT cũng phân công lực lượng chuyên môn cấp tỉnh phụ trách theo địa bàn phối hợp với cơ quan chuyên môn các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi phòng, chống dịch. Đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi phòng chống dịch.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Thanh (Thực hiện)/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/khong-tai-dan-o-at-thieu-kiem-soat-de-phong-chong-hieu-qua-dich-ta-lon-chau-phi-2489501/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 95973 Tổng lượt truy cập 89284808