Không để dịch chồng dịch

Thời gian qua, dịch Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát diện rộng. Để ứng phó với những dịch bệnh này, Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hạn chế sự lây lan, xâm nhiễm. Cùng với đó, các địa phương trong nước cũng đang chủ động phòng, chống sự bùng phát mạnh mẽ của dịch sốt xuất huyết đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Hiện trong nước đang quyết tâm ứng phó không để dịch chồng dịch, ảnh hưởng đến đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của ngành Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận hơn 137.000 ca mắc sốt xuất huyết, 45 người tử vong. Số mắc tăng gấp 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trước thực trạng bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, Bộ Y tế kêu gọi người dân tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, trong đó chủ động kiểm tra, phát hiện, diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Các địa phương quyết tâm cao không để dịch chồng dịch.

Cùng với bệnh sốt xuất huyết, hiện bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, bệnh có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 7, thế giới ghi nhận 21.000 ca bệnh, tại 78 quốc gia, trong đó 7 ca tử vong. 

Với Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống đậu mùa khỉ gồm chưa có bệnh nhân; bệnh xâm nhập; dịch lan rộng. Đồng thời ban hành hướng dẫn người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ cách ly tại trạm y tế hoặc bệnh viện, điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu. Bộ Y tế yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát phòng chống dịch ngay tại cửa khẩu, tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Xử lý kịp thời ổ dịch, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong, ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, chi phí để triển khai các biện pháp phòng chống, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh.

Không chỉ có bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, hiện tại trong nước cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Hiện trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó). Tại Việt Nam, trong tháng 7/2022, ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số ca mắc tăng 22,4%.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; tốc độ tiêm ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trước thực trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong tháng 8 này, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định, mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Cơ quan, đơn vị, địa phương để dịch bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân.

Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, kinh nghiệm từ việc phòng, chống dịch những năm qua cho thấy việc chủ động phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ý thức của người dân tham gia phòng, chống dịch là yếu tố quyết định. Tin tưởng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự vào cuộc của người dân, nước ta sẽ không để dịch chồng dịch xảy ra.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 27277 Tổng lượt truy cập 91114171