Khi thợ lò làm báo...

Xuất thân từ thợ lò, song với niềm đam mê của mình, các nhà báo không chuyên ở ngành Than đang ngày đêm miệt mài khắc họa nên những chân dung sống động, chân thực về đời sống, hình ảnh người thợ mỏ. Những hình ảnh ấy đã đã được thường xuyên giới thiệu tới đông đảo người dân mọi miền tổ quốc qua các trang báo, tạp chí ngành Than...

Thợ lò kiêm phóng viên

Khánh Du (bên phải), PX Đào lò 2, Công ty than Dương Huy có lẽ là số ít những người trong ngành Than vừa làm thợ lò, vừa làm báo.

Trong các đơn vị ngành Than, có lẽ hiếm có thợ lò đa năng như Nguyễn Khánh Du, Phân xưởng Đào lò 2, Công ty than Dương Huy khi vừa làm thợ lò vừa làm phóng viên cơ sở.

Gần 1 tiếng đồng hồ trên con đường 1,5 km bùn than lủng củng vào gương sản xuất, có lúc chúng tôi phải nghỉ giải lao. Bởi tốc độ và sức khỏe của những “thợ lò” không chuyên như chúng tôi khó mà bắt kịp với thợ lò chuyên nghiệp. Trên chặng đường ấy, tôi đã phần nào hiểu được hành trình đến với nghề làm báo cơ sở của Du.

Từ khi còn là sinh viên, Du đã thích thú với những chiếc máy ảnh, máy quay phim. Du bảo: “Sinh viên khi ấy mà có máy ảnh là “oách” lắm”. Nhưng vì đam mê, cậu cố trang sắm cho mình một chiếc máy ảnh. Vào những dịp nhà trường tổ chức các hoạt động chung, đi du lịch Du đều có cơ hội tác nghiệp. Những bức ảnh của Du đều được mọi người đánh giá cao về bố cục và độ nét. Niềm yêu thích, đam mê cứ từ đó lớn dần lên. Hồi mới vào Công ty than Dương Huy, biết sở trường của Du, ai cũng bảo được làm việc ở ngành Than, Du sẽ có cơ hội sáng tác những tác phẩm chân thực nhất về đời sống người thợ mỏ.

Dù tự học trên mạng nhưng Du rất thành thạo các kỹ năng viết, chụp ảnh, quay và tự dựng phim.

Du tâm sự: “Nghề báo, khó nhất là kỹ năng viết, chụp ảnh, quay phim. Biết điểm yếu của mình là chưa được đào tạo bài bản, vì thế, em chịu khó lên mạng tìm hiểu bố cục viết tin, bài; học cách quay, dựng phim". Với người trong làng báo chúng tôi, để thành thạo được các kỹ năng ấy còn là cả một quá trình dài. Nhưng với Du, dù chỉ học “mót” qua mạng song cậu nắm bắt khá nhanh. Đến nay, Du đã thành thạo tất cả các kỹ năng viết báo, chụp ảnh, quay và dựng video. Bất cứ khi nào được Công ty giao làm những tác phẩm đề tài người thợ mỏ dù bằng hình thức viết, ảnh, ca khúc, video, Du đều rất hào hứng. Bởi Du là thợ lò “chính hiệu”. Cậu hiểu và nắm được cái hồn của thợ mỏ lại thành thạo các kỹ năng làm báo. Vì thế, những tác phẩm của Du khắc họa được sâu sắc công việc, đời sống, tinh thần của người thợ mỏ. Đặc biệt, những ca khúc về thợ lò của Du được rất nhiều thợ mỏ Dương Huy thuộc nằm lòng.

Công việc chính là đào lò, song mỗi năm, Du cùng các đồng nghiệp của mình sản xuất được hàng trăm tin, bài đăng tải trên trang web của Công ty, Tạp chí Than-Khoáng sản, Tạp chí Công đoàn Than-Khoáng sản... Độ chuyên nghiệp của Du được thể hiện bởi sự tín nhiệm cao. Nhiều doanh nghiệp và Tập đoàn còn mời cậu thực hiện các chương trình phóng sự cho ngành Than.

Đoàn phóng viên Trung tâm truyền thông Quảng Ninh chụp ảnh kỷ niệm cùng thợ lò PX Đào lò 2, Công ty than Dương Huy dưới mức -100.

Bận rộn với nghề thợ mỏ, chưa kể còn gánh trọng trách là một Phó Quản đốc, Phó Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn PX Đào lò 2, vợ thì mới sinh em bé nhưng Du vẫn sắp xếp ổn thỏa để hoàn thành tốt cả nghề tay trái, phải. Du hài hước rằng: “Vợ em và Quản đốc sắp xếp hết rồi!”. Tôi trêu: “Chỉ khéo nịnh vợ và sếp!”. Du phân bua: “Thật đấy chị ạ! Với thợ lò, hậu phương không vững chắc, khó mà hoàn thành xuất sắc công việc. Và để nghề tay trái của em được phát huy, Quản đốc phân xưởng cũng hỗ trợ sắp xếp công việc giúp em đảm nhiệm được cả hai vai”.

Quản đốc Phân xưởng Đào lò 2 Nguyễn Chí Trưởng khi ấy đi trước dẫn đường cho chúng tôi dừng lại, tiếp lời Du: “Bên cạnh sự hỗ trợ của Quản đốc, của vợ Du và anh em đồng nghiệp, thì Du luôn là người chủ động và nỗ lực trong công việc được anh em tin tưởng”.

Thế rồi, anh Trưởng liệt kê hàng loạt những thành tích đáng nể của Du cho chúng tôi nghe. Đặc biệt, Du được mệnh danh là “cây sáng kiến” của Đào lò 2 và Công ty. Sáng kiến “Làm thang tạo lối đi lại thay cho hệ thống dầm nền của lò thượng thông gió -100 đến +38 vỉa 8 Khu Trung tâm” của Du đang đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xét tặng bằng lao động sáng tạo. Du cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp Tập đoàn, Thợ giỏi cấp Tập đoàn; Huy hiệu thợ mỏ vẻ vang; bằng khen của Trung ương Đoàn... Với sự góp sức của Du, Phân xưởng Đào lò 2 cũng luôn nằm trong tốp đầu của Công ty, Tập đoàn về năng suất và thu nhập. Quản đốc Trưởng kết luận: “Cậu ấy đúng là chuyên cả hai tay”; rồi ra hiệu cho chúng tôi biết đã vào đến gương lò đào.

Tác giả bài viết cùng phóng viên cơ sở Nguyễn Khánh Du trao đổi về những bức ảnh đẹp của thợ lò.

“Đam mê quyết định sức khỏe”, Du nghĩ thế, nên cậu làm việc không biết mệt mỏi. Có khi làm thông 2 ngày 2 đêm không ngủ. Như Tháng Công nhân vừa qua, ngày chui lò và tác nghiệp, đêm đến thì sản xuất tin bài, video. Du chia sẻ: Nhiều người bảo, làm báo cơ sở thì cần gì phải vội. Nhưng quan điểm của em làm gì cũng phải đảm bảo tiến độ, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tính thời sự phải ưu tiên hàng đầu để đưa thông tin kịp thời đến hàng nghìn cán bộ, CNVLĐ trong Công ty…’’.

"Phóng viên" Phạm Cường, Công ty CP than Vàng Danh vinh dự nhận giải nhất Hoạt động Bình chọn ảnh "Tôi yêu hàng Việt Nam" năm 2017 của Tạp chí Công Thương.

Đến duyên nợ với nghề

Rời than Dương Huy, chúng tôi ngược về miền Tây của tỉnh đến Công ty CP than Vàng Danh gặp “nhà báo” Phạm Cường khi anh đang say sưa làm việc tại phòng truyền thanh nội bộ của Công ty. Xây dựng nội dung phát thanh đều đặn 3 lượt/ngày cho các ngày làm việc trong tuần là một trong những công việc hằng ngày mà anh đảm nhận. Theo thống kê trung bình mỗi năm, Phạm Cường cùng tổ truyền thanh công ty sản xuất trên 350 chương trình truyền thanh, trên 120 chương trình trên xe ô tô, nhà giao ca, 1.000 tin nội bộ... Anh cũng chính là người trực tiếp thực hiện nội dung tuyên truyền qua pano, áp phích, khẩu hiệu, bảng thông tin điện tử... từ trụ sở công ty cho tới từng phân xưởng. Nhờ đó đã góp phần không nhỏ làm phong phú đời sống tinh thần cho CBCNV Than Vàng Danh và cũng là kênh tuyên truyền kịp thời, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo đến tập thể công ty.

Chia sẻ về duyên nghiệp của mình, Phạm Cường kể: Tôi vốn không được học chuyên sâu về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền. Nhưng may mắn là từ khi còn nhỏ đã được truyền niềm đam mê từ cha là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ngọc Anh. Ông đã cả đời gắn bó với những tác phẩm về thợ mỏ, ngành than. Từ nhỏ đã được theo cha đi sáng tác nhiều nơi nên khi còn đang học cấp 2 thì tôi đã quen thuộc với chiếc máy ảnh. Khi lên lớp 11 đã có thể rong ruổi vào mỗi cuối tuần để chụp ảnh dịch vụ, vừa là sở thích, vừa có thể kiếm thêm phụ gia đình.

Bức ảnh Phút giao ca của Phạm Cường đạt Giải nhì cuộc thi ảnh Nụ cười Hạ Long năm 2016.

Năm 2004, khi vào làm tại phân xưởng cơ điện, Công ty CP than Vàng Danh, anh tiếp tục phát huy sở trường chụp ảnh của mình bằng cách hăng hái đăng ký tham gia các hoạt động hỗ trợ sự kiện của đoàn thanh niên, công đoàn. Cường bảo: “Duyên nghề của tôi khó thành nếu không được cơ quan tạo điều kiện cho học hơn 3 năm tại trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long (nay là trường Đại học Hạ Long). Tốt nghiệp, tôi được nhận nhiệm vụ mới tại văn phòng công ty, đảm nhận việc quay phim, chụp ảnh, viết tin bài phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cho đến giờ”.

Ngoài tuyên truyền nội bộ của đơn vị, Phạm Cường còn là cộng tác viên “ruột” của các báo đài địa phương và trung ương; thường xuyên thực hiện các tin bài, phim phóng sự về mọi hoạt động sản xuất, phong trào thi đua lao động, văn nghệ, thể thao của toàn đơn vị. Không ít các tin bài thời sự, chùm ảnh đẹp của anh đăng tải trên Báo Quảng Ninh, Lao động, Nhân dân, Tạp chí Than - Khoáng sản...

Nhắc đến Phạm Cường thì không thể không kể tới niềm đam mê với nhiếp ảnh. Dù tự nhận mình chỉ là “tay máy không chuyên” do chưa qua trường lớp chính quy đào tạo, nhưng anh lại có một bảng thành tích đáng nể về các giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhỏ. Tiêu biểu như các bức “Phút giao ca” đạt giải nhì cuộc thi Nụ cười Hạ Long năm 2016; bức “Chờ tiếng còi phá hỏa” đạt giải nhất Hoạt động Bình chọn ảnh "Tôi yêu hàng Việt Nam" năm 2017 của Tạp chí Công Thương... Từ năm 2012 đến nay, anh liên tục có tác phẩm tham gia triển lãm lớn của khu vực và toàn quốc; bình quân mỗi năm có trên 100 tấm hình được các báo, tạp chí sử dụng. Những bức ảnh chính là góc nhìn chân thực của một người trong cuộc về thợ mỏ: Luôn yêu lao động với tinh thần lạc quan bộc lộ qua ánh mắt và nụ cười rạng rỡ. Đồng thời phản ánh cụ thể về chất lượng cuộc sống của anh em cán bộ, công nhân ngành than hôm nay, luôn được quan tâm chăm sóc chu đáo hơn về mọi mặt để yên tâm công tác.


Những bức ảnh: Chờ tiếng còi phá hỏa, Nụ cười của Phạm Cường đều là những tác phẩm đạt giải cao ở các cuộc thi ảnh cấp ngành, khu vực.

Những ngày tháng 6 này, Than Vàng Danh đang trong khí thế thi đua, phong trào sôi nổi lan tỏa khắp các phân xưởng, khai trường khi công ty kỷ niệm tròn 55 năm ngày thành lập và vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Do có nhiều sự kiện quan trọng nên cán bộ phụ trách công tác thông tin tuyên truyền như Phạm Cường càng thêm bận rộn. Đó là những tin bài cộng tác với báo chí được sản xuất liên tục; là một phóng sự chuyên đề dài hơn 30 phút được tự quay hình, dựng phim với nội dung về hoạt động của công ty để phục vụ tuyên truyền; là những bức ảnh chất lượng ghi lại khoảnh khắc đẹp của người thợ mỏ được thường xuyên giới thiệu tới đông đảo người dân mọi miền tổ quốc qua các trang báo, tạp chí ngành than... Những sản phẩm chất lượng, các chương trình sự kiện thêm suôn sẻ là minh chứng cho công tác tuyên truyền được phối hợp thực hiện có hiệu quả. Dường như không có nhiệm vụ nào làm khó được Phạm Cường, từ đề xuất ý tưởng, thực hiện kỹ thuật, hỗ trợ sự kiện... Có thể nói, trong suốt gần 10 năm công tác tại văn phòng Công ty Cổ phần than Vàng Danh, chàng trai dáng người nhỏ bé mà lại tháo vát, đa tài này luôn làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao, đam mê và chuyên nghiệp như vậy.

Tôi còn nhớ, trước khi rời mỏ Dương Huy, Vàng Danh cả Du và Cường đều tâm sự với chúng tôi lý do tại sao các anh yêu nghề đến thế: Bởi khi được thấy những “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng các anh hạnh phúc, tự hào lắm. Bởi khi đó mình đã góp phần đưa hình ảnh về vùng mỏ tươi đẹp, chân dung người thợ lò Quảng Ninh đến được với đông đảo người dân khắp mọi miền...

Qua các chuyến đi thực tế với các nhà báo là thợ mỏ “chính hiệu” như Du hay Cường, chúng tôi đã phần nào hiểu được sự vất vả của người công nhân mỏ, người làm báo cơ sở ở một ngành đặc thù lao động nặng nhọc, hiểm nguy. Với họ, trên hết là tâm huyết, là đam mê, là cống hiến, dù cho có khó khăn hay những hỗ trợ, cơ chế cho phóng viên cơ sở không nhiều. 

Vâng, ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 cận kề, dù không phải là nhà nhà báo chuyên nghiệp, không được cấp thẻ Nhà báo, song Du, Cường hay nhiều nhà báo ở cơ sở đang ngày đêm lao động, tiếp thêm động lực thi đua cho các thợ mỏ vẫn rất xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh! Họ như những phóng viên chiến trường, dẫu hiểm nguy vẫn không lùi bước. 

Theo Thanh Hằng - Hoàng Giang/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21523 Tổng lượt truy cập 91400112