Hội Nông dân phường Yên Thanh: Tập huấn kỹ thuật mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ

Ngày 31-10, Hội Nông dân phường Yên Thanh tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ. Tham gia tập huấn có lãnh đạo Hội Nông dân thành phố, phường Yên Thanh và các hội viên hội nông dân phường.

Hiện nay, theo tập quán canh tác, người dân chỉ gặt ngang cây lúa thu lấy rơm và thóc, phần gốc rạ để lại trên mặt ruộng. Ước tính cứ 1ha khi thu hoạch có 6 tấn rơm và 1 tấn rạ. Thông thường bà con nông dân chỉ sử dụng rơm rạ để làm thức ăn gia súc, chất độn chuồng, chất đốt hay trồng nấm… Các phương pháp này đều có nhược điểm và có thể gây tác động đến môi trường sinh thái, khiến đất đai giảm độ phì nhiêu. Việc áp dụng quy trình xử lý triệt để lượng rơm rạ bằng chế phẩm Fito-Biomix RR tại ruộng sẽ giúp bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, loại phân bón này là sản phẩm an toàn với người và động vật, không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất.

Cán bộ Hội Nông dân phường Yên Thanh hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Tại buổi tập huấn, cán bộ Hội Nông dân phường Yên Thanh đã hướng dẫn bà con nông dân quy trình kỹ thuật cụ thể để xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ. Đối với rơm, các bước bao gồm: thu gom rơm, tưới nước làm ẩm, pha chế phẩm Fito-Biomix RR, tưới đều chế phẩm vào rơm, rắc phân hóa học NPK, xếp rơm thành đống và che phủ đống ủ, đảo trộn. Đối với gốc rạ tại ruộng, sau khi xác định lượng rạ tương ứng với lượng chế phẩm sinh học (Fito-Biomix RR và chế phẩm H2S), tiến hành trộn, rắc đều chế phẩm xử lý gốc rạ lên mặt ruộng, cày lật, lấy nước vào ruộng và kiểm tra chất lượng sau 15 ngày.

Hội viên nông dân phường Yên Thanh thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Với lợi ích kinh tế, tính thân thiện với môi trường, hiện mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ đã được áp dụng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình… Từ việc tập huấn quy trình kỹ thuật xử lý cho các hội viên, hội nông dân phường Yên Thanh mong muốn mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp toàn phường, góp phần xây dựng nền sản xuất sạch, đảm bảo môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

 

 

Hồng Hoàn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 123339 Tổng lượt truy cập 89334145