Hội nghị trực tuyến giao ban công tác an toàn vệ sinh thực phẩm 9 tháng đầu năm

Ngày 11-10, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phầm tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác an toàn vệ sinh thực phẩm 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND thành phố dự và phát biểu tại đầu cầu Uông Bí.

Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại đầu cầu Uông Bí.

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, 9 tháng đầu năm đã ban hành 115 văn bản chỉ đạo cho thấy công tác này đang được tỉnh chú trọng, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương. Trong 9 tháng đầu năm, 100% các sự kiện, 59 lễ hội trên địa bàn tỉnh đều được giám sát, đảm bảo ATTP cho gần 6,8 triệu lượt nhân dân và du khách; 45 hội nghị, sự kiện của tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, trường học, KCN, khu du lịch, kinh doanh thức ăn đường phố được tổ chức giám sát đảm bảo ATTP. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộc độc thực phẩm, không có người tử vong.

Công tác tuyên truyền về ATTP được chú trọng với 28.900 lượt phát thanh, truyền thanh; 3.728 lượt phóng sự, tin, bài trên truyền hình, 1.052 cuốn tài liệu tập huấn, 92.500 tờ gấp… tuyên truyền cho đông đảo nhân dân.

Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã tổ chức 849 đoàn thanh tra, kiểm tra 17.528 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có 14.408 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 82,2%), lập biên bản 1.434 cơ sở với số tiền gần 4,9 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo VSATTP còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn tỉnh rộng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ khó quản lý, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục vẫn tồn tại; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP…

Quang cảnh tại đầu cầu Uông Bí.

Để công tác đảm bảo ATTP những tháng cuối năm đạt được kết quả, các sở, ngành, địa phương cần đổi mới hình thức, nội dung truyền thông; định hướng thông tin sản phẩm an toàn để người dân biết, mua và sử dụng; tập trung xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất an toàn, cơ sở giết mổ đảm bảo ATTP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ.

Trên địa bàn thành phố Uông Bí, 9 tháng qua, BCĐ an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thể hiện qua các mặt: công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua thực phẩm; công tác quản lý về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tra thống kê cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm; phối hợp liên ngành  thanh tra và xử lý vi phạm. Trong 9 tháng, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm cho 47 cơ sở, tổ chức cho 990 cơ sở ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho 585 người. Toàn thành phố cũng đã thành lập 32 đoàn thanh tra kiểm tra, tiến hành kiểm tra 968 lượt cơ sở, trong đó phát hiện 62 cơ sở vi phạm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ chuyên môn quản lý các cấp, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng về thực phẩm đã được nâng lên. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong thành phố đối với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm có sự phối hợp tốt và thực hiện có hiệu quả. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã được chủ động và không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng của các sở, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATTP, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân. Thời gian qua, công tác chỉ đạo được thực hiện bài bản theo từng quý, đã thành lập tổ chuyên trách, số phạt tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó, công tác sản xuất thực phẩm, giết mổ gia súc gia cầm được quản lý chặt chẽ, góp phần tích cực vào cải thiện sức khỏe nhân dân.

Những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, yêu cầu cần đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP, đòi hỏi sự vào cuộc của các đơn vị. Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đổi mới cách tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh tại các địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt trong công tác đảm bảo ATTP. Cụ thể, trong sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường vai trò chủ đạo trong quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, tăng cường sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó Sở Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, các chợ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTP cho nhân dân.

Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khu vực biên giới như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái cần đẩy mạnh công tác kiểm tra vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh, nhất là vận chuyển thực phẩm đông lạnh.

Trong công tác chỉ đạo, yêu cầu Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể phần để lại trong công tác xử phạt; tăng cường xử lý thông tin giữa các ngành, địa phương đảm bảo nhanh gọn, thông suốt.

 

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23551 Tổng lượt truy cập 91404586