Hồ Yên Trung: Khu du lịch cần được đẩy mạnh "đánh thức" tiềm năng

Thành phố Uông Bí nằm trong tam giác động lực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Bắc Việt Nam; là trung tâm khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Ninh. Với thế mạnh du lịch tâm linh và sinh thái, mỗi năm, Uông Bí đón từ 1 đến 2 triệu lượt du khách, những năm gần đây Uông Bí có tốc độ tăng trưởng cao trên 10%/năm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của Thành phố, do vậy, du lịch Uông Bí trong đó có khu du lịch Hồ Yên Trung cần được khơi dậy, thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát huy lợi thế, tiềm năng nổi trội, nâng cao chất lượng phục vụ du khách cũng như thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.

Xác định du lịch là mũi nhọn

Uông Bí không những được biết đến là khu vực có trữ lượng than lớn nhất tỉnh Quảng Ninh mà còn được biết đến là Trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh của cả nước. Bên cạnh những trung tâm du lịch lớn như Hạ Long – du lịch biển đảo, Móng Cái – du lịch biên giới, Bình Liêu – du lịch cộng đồng, du lịch Uông Bí với những giá trị riêng có đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong bản đồ du lịch tỉnh và cả nước. Ngoài ra, Uông Bí nằm trong không gian phát triển phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, với hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại trên cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giao thoa văn hóa các vùng miền.

Khu du lịch hồ Yên Trung - một trong những địa điểm khách du lịch không thể bỏ qua khi đến Uông Bí.

Hiện Uông Bí có 30 di tích, danh thắng, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 06 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Có thể kể tên một số điểm du lịch tâm linh, lịch sử nổi tiếng như: Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Hang Son, Đình - Chùa Lạc Thanh,… Trong đó, Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử - nơi được xem là đất tổ của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam là một trong những điểm du lịch tâm linh quan trọng và đang được tỉnh Quảng Ninh phối hợp các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đề xuất UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Được ưu ái bởi khí hậu trong lành, địa hình phong phú, đa dạng, Uông Bí còn sở hữu rất nhiều điểm tham quan có cảnh quan thiên nhiên ấn tượng và hấp dẫn như hồ Yên Trung, đỉnh Bình Hương, đỉnh Phượng Hoàng, sông nước Phương Nam, Thác Lựng Xanh ... Với những lợi thế về văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, Uông Bí rất có lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, tín ngưỡng; du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm; du lịch nghỉ dưỡng…

Thời gian qua, Uông Bí đã từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế để trở thành một trong những Trung tâm du lịch tâm linh lớn của tỉnh và cả nước. Trong đó, thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành, đưa vào khai thác một số các tuyến, điểm du lịch là thế mạnh tại địa phương.

Để phát triển du lịch, thành phố Uông Bí đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình mục tiêu, trong đó có Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND thành phố Uông Bí phê duyệt Xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Uông Bí giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Uông Bí đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025, lượng khách đến Uông Bí đạt trên 3 triệu lượt, khách nước ngoài chiếm 15%, khách lưu trú đạt trên 800 nghìn lượt, tạo việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp; doanh thu ngành du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% trong tổng cơ cấu ngành thương mại dịch vụ của thành phố và thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào hoạt động du lịch.

Hồ Yên Trung - Khu du lịch cấp tỉnh cần được “đánh thức” tiềm năng

Hồ Yên Trung luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu cho du khách khi muốn cắm trại, picnic hay tổ chức dã ngoại.

Với vị trí giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hoà, Hồ Yên Trung nằm trọn trong một thung lũng thanh bình. Phía Bắc là dãy đồi núi cao có tên gọi là Rông Con Xà (đồi rắn) chạy tiếp giáp với núi Yên Tử; Phía Nam là những đồi thấp hơn nên rất tiện lợi cho việc đi lại của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Bốn phía bao quanh Hồ đều được trồng thông và keo xen kẽ. Dưới gốc thông là những bụi Sim, Mua làm tăng vẻ đẹp hoang sơ khiến Hồ Yên Trung được ví như “Đà Lạt thu nhỏ”, một điểm du lịch đậm chất lãng mạn, mộng mơ, trữ tình.

Vùng Hồ có tổng diện tích tự nhiên 566,04 ha. Trong đó, diện tích mặt nước 55ha. Trong quần thể của Hồ có cụm công trình lưu niệm doanh nhân Bạch Thái Bưởi - Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đầu thế kỷ XX, di tích chùa Quốc Dưỡng. Ngày 30/12/2019, Khu Du lịch Hồ Yên Trung được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 5538/QĐ-UBND.

Địa điểm lý tưởng để chụp ảnh cho các cặp uyên ương và các bạn trẻ.

Hồ Yên Trung là một trong sáu công trình thủy lợi lớn của thành phố Uông Bí với vai trò ngăn suối giữ nước, đắp đập xả lũ ở hạ lưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hồ Yên Trung được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quản lý và khai thác. Tuy nhiên, theo Quyết định số 5538/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 về việc công nhận Khu du lịch Hồ Yên Trung, thành phố Uông Bí là Khu du lịch cấp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND thành phố Uông Bí có trách nhiệm toàn diện với các hoạt động du lịch diễn ra trong phạm vi được phê duyệt. Do gắn bó với Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử và UBND phường Phương Đông được UBND tỉnh, thành phố Uông Bí giao nhiệm vụ quản lý, đảm bảo an ninh, môi trường, cảnh quan tại Hồ. Như vậy, tại đây diễn ra hiện trạng chồng chéo trong công tác quản lý, chưa thể làm rõ được trách nhiệm của các bên liên quan. Hiện, Công ty Thuỷ lợi Yên Lập đã hoàn tất các thủ tục giao đất nhưng chưa có cơ chế quản lý rõ ràng, dẫn đến một số hộ dân có đất trồng cây khu vực Hồ tự ý chuyển nhượng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trái phép, cho thuê nhằm mục đích kinh doanh, bán hàng tự phát. Thực trạng đó là khó khăn trong khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực.

Khu du lịch Hồ Yên Trung bước đầu đáp ứng một số điều kiện về hạ tầng phục vụ du khách như: Đã được lắp hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sinh hoạt, có khu vực xây dựng cổng, hàng rào, khuôn viên, mở đường, làm bãi đỗ xe; xây dựng tiểu cảnh vườn Địa đàng, cầu Tình yêu, chữ nổi Hồ Yên Trung... Thời gian gần đây là địa điểm dã ngoại, trải nghiệm ưa thích của các gia đình, nhóm bạn trẻ, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Tại đây hiện có 5 hộ dân đang kinh doanh một số dịch vụ phục vụ du khách theo hình thức tự phát, chưa được quản lý bài bản, như: cho thuê lều cắm trại, dịch vụ ăn uống. Năm 2018, số lượng du khách đến tham quan Hồ Yên Trung là 73.468 lượt. Trước khi có dịch Covid – 19, dịp cao điểm, khu du lịch đón từ 5.000 đến 6.000 lượt du khách mỗi ngày. Trong kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2022 mới đây, Hồ Yên Trung đón 10.000 lượt khách, trung bình đón 2.000 lượt du khách/ngày.

Tuy nhiên, do chưa có kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, hoạt động du lịch diễn ra tự phát nên khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung dù đón nhiều khách nhưng chưa có nguồn thu đóng góp cho nhà nước.

Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hồ Yên Trung cần sớm được "đánh thức" để xứng đáng với tiềm năng sẵn có.

Với tiềm năng phát triển lớn, dù hồ Yên Trung từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp du lịch, nhưng cho đến nay, sau sự “bỏ rơi” giữa chừng của nhiều nhà đầu tư, hồ Yên Trung vẫn chưa tìm được đơn vị phù hợp, tâm huyết để đầu tư, khai thác hiệu quả. Ngày 01/11/2021, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg về Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, trong đó có khu vực hồ Yên Trung. Như vậy, đây là cơ hội rất lớn để phát triển dịch hồ Yên Trung theo hướng bài bản và chuyên nghiệp, góp phần phát triển, đa dạng hoá sản phẩm du lịch của thành phố Uông Bí trong giai đoạn tới.

Để đẩy mạnh “đánh thức” tiềm năng du lịch Hồ Yên Trung, biến nơi đây trở thành khu du lịch đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân thì cần phải quản lý một cách bài bản, quy củ, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, xây dựng các cơ sở lưu trú cao cấp, công viên sinh thái công cộng, tận dụng thế mạnh du lịch sinh thái, thu hút du khách không chỉ nội tỉnh mà cả trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày.

Kim Thủy

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24238 Tổng lượt truy cập 91405933