Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay hàng ngàn tấn nông sản của nông dân, đặc biệt là tại các địa phương bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội không thể tiêu thụ được mặc dù đã đến kỳ thu hoạch, xuất bán.

Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho người dân, bao công sức, tiền của đổ vào đồng ruộng, trang trại, gia trại có nguy cơ tay trắng. Đặc biệt, đây đều là những nông sản mà người dân ấp ủ, kỳ vọng để xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, với hy vọng có nguồn thu nhập cao.

Tại huyện Vân Đồn, do xuất hiện các ca bệnh dương tính nên huyện phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều xã trên địa bàn từ những ngày cuối của tháng 1 vừa qua để phòng, chống dịch. Do vậy, chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản của người dân bị đứt gãy, ngưng trệ. Thương lái bỏ mối, doanh nghiệp e ngại làm cho nông sản bị ứ đọng, rớt giá. Trong khi đó công nghệ, cơ sở hạ tầng để bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, gần như chưa có gì.

Theo cơ quan chuyên môn của huyện, dịch bệnh ập đến đúng vào thời điểm người dân tập trung thu hoạch nông, hải sản để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán, trong khi Vân Đồn là vựa nuôi trồng thủy sản  lớn của tỉnh. Theo thống kê, sản lượng các loại cá song, cá hồng thu hoạch đạt trên 500 tấn/ngày; hàu sữa đạt 200 tấn/ngày (6.000 tấn/tháng); cùng với đó là nhiều loại cây cảnh, hoa quả khác.

Tương tự, tại TX Quảng Yên, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng gặp không ít khó khăn, mặc dù Quảng Yên không phải là tâm dịch trên địa bàn tỉnh. Không chỉ gặp khó trong dịp trước Tết, mà cả sau Tết Nguyên đán việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn của người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn. Những sản phẩm được coi là thế mạnh của địa phương như hàu, hà, trứng, rau an toàn... cũng đang tiêu thụ hết sức chậm, giá cả thấp hơn so với khi chưa có dịch. Theo lãnh đạo một xã có thế mạnh về nuôi hàu, hà, thì thời điểm này đang là mùa thu hoạch chính của con hàu, con hà, nhưng hiện xã còn tồn đọng khoảng 10.000 tấn hàu, hà treo dây. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ chậm và mất giá là do nhiều nhà hàng, doanh nghiệp sau Tết chưa kinh doanh trở lại, công nhân, người lao động chưa trở lại làm việc. Vì vậy, nhu cầu cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn giảm mạnh. Riêng mặt hàng hàu cửa sông còn vì không xuất được vào thị trường Trung Quốc như mọi năm nên gần như bế tắc đầu ra.

Ngoài thủy, hải sản, Quảng Yên còn được biết đến là vựa rau xanh, rau an toàn của tỉnh, với nhiều loại rau, củ, quả chất lượng đã từng có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, dịp này do tác động của dịch Covid-19 nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và nếu có bán được thì cũng bị ép giá. Theo một số hộ trồng rau lâu năm trên địa bàn, giá bán buôn su hào, cà chua tại ruộng giảm 3.000-5.000 đồng/kg so với đầu năm 2020, tuy vậy nhưng cũng rất ít thương lái đến thu mua...

Trước những khó khăn, bế tắc của nông dân trong việc tiêu thụ nông, hải sản, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã thấu hiểu, tìm biện pháp hỗ trợ, chia sẻ với người nông dân. Cụ thể là tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn quan tâm, tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nông dân trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản ở các địa phương, nhất là ở các vùng dịch; đưa nông sản vào thực đơn bữa ăn của các đơn vị, cơ quan, gia đình.

Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã vận động cán bộ, công nhân viên tiêu thụ hàng ngàn tấn hải sản cho nông dân, trong đó có những doanh nghiệp ngành Than đã mua cá song để tặng cho các gia đình cán bộ, công nhân viên ăn Tết. Cùng với đó, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã kết nối với một số địa phương ngoài tỉnh để tiêu thụ thủy, hải sản cho nông dân với hàng tấn cá song, hàu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội...

Tuy nhiên, việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng chưa phải được nhiều và cũng còn có những khó khăn, bất cập. Bởi vậy, có những nông sản do không được tiêu thụ kịp thời, đúng thời điểm nên đã bị rụng, hỏng như sản phẩm cam của xã Vạn Yên, Vân Đồn...

Dịch bệnh ập đến là sự bất khả kháng, không thể tính trước được. Trong khi các nông sản lại thu hoạch theo thời vụ, khung thời gian nhất định. Vì vậy, những thiệt hại về kinh tế đối với người nông dân là khó tránh khỏi, mặc dù tỉnh và các ngành chức năng cũng đã rất nỗ lực, cố gắng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản. Và nếu nhìn rộng ra, thì nông dân ở nhiều địa phương khác cũng chung tình cảnh này, trong đó đặc biệt là nông dân tỉnh Hải Dương còn thiệt hại, khó khăn hơn nhiều do toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Và cũng từ thực tế này, chúng ta càng ý thức được rõ hơn vai trò, vị trí của ngành công nghiệp chế biến, sự cần thiết của việc đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng cho việc bảo quản sau thu hoạch. Nếu có được hệ thống cơ sở này, chắc chắn sẽ giúp nông dân giảm thiểu được thiệt hại trong các tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh...

Theo Thanh Tùng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 87784 Tổng lượt truy cập 89272613