Giúp học sinh yêu thích môn lịch sử - địa lý

Thời gian qua, việc ứng dụng “Website hỗ trợ dạy học địa lý - lịch sử địa phương” vào giảng dạy trong một số trường THCS trên địa bàn TP Uông Bí đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần kích thích khả năng phát triển năng lực tự học các môn xã hội cho học sinh THCS trên địa bàn thành phố.

Giao diện “Website hỗ trợ dạy học địa lý - lịch sử địa phương”.

“Website hỗ trợ dạy học địa lý - lịch sử địa phương” là một trong những đề tài đoạt giải ba trong Cuộc thi Sáng tạo dịch vụ tỉnh Quảng Ninh tỉnh lần thứ nhất (2016-2017) của 2 giáo viên Trường THCS Trưng Vương (TP Uông Bí). Đề tài được áp dụng giảng dạy ở một số nhà trường và đang dần nhân rộng trong các tiết học của học sinh THCS trên địa bàn TP Uông Bí.

Cô giáo Võ Quỳnh Trang, Trường THCS Trưng Vương, đồng tác giả đề tài, cho biết: “Những năm gần đây, phương pháp tự học cũng như phát triển năng lực tự học đối với học sinh THCS vẫn còn là một vấn đề mới. Đặc biệt, đây là độ tuổi tâm sinh lí đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, ham học hỏi nhưng đi kèm với đó là sự thiếu tập trung dễ bị phân tán, vì vậy việc hướng dẫn học sinh tự học, phát triển năng lực cho học sinh lứa tuổi THCS gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các em có những hứng thú đặc biệt với các kĩ thuật dạy học mới, phương tiện trực quan, trong đó các thiết bị máy vi tính, phần mềm dạy học, internet luôn có sức hấp dẫn lớn với các em. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có đề tài ứng dụng nào sử dụng nền tảng web để dạy học lịch sử và địa lý địa phương cho học sinh ở bậc học THCS. Chính vì vậy, dựa trên nền tảng này chúng tôi đã thực hiện đề tài nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dạy học nói chung, cũng như chất lượng dạy học phần lịch sử, địa lý địa phương nói riêng cho các em”.

Một giờ học lịch sử trên máy tính của cô và trò Trường THCS Trưng Vương, TP Uông Bí. Ảnh: Võ Quỳnh Trang (Trường THCS Trưng Vương)

Website được xây dựng, vận hành trên nền tảng web 2.0, có tên miền là “giaoduc1.dahinh.com”. Nguồn tư liệu lịch sử, địa lý địa phương được tìm tòi, lưu trữ một cách đầy đủ, phong phú. Người quản trị ngoài việc lựa chọn, upload các tài liệu học tập còn có thể thực hiện việc tương tác hai chiều với những người dùng thông qua diễn đàn trực tuyến. Người dùng sau khi sử dụng các tiện ích của website có thể gửi phản hồi, đánh giá trực tiếp qua hòm thư điện tử hoặc trả lời trên các phiếu xin ý kiến trực tiếp trên website. Em Trịnh Hải Yến, học sinh lớp 7A, Trường THCS Trưng Vương (TP Uông Bí), cho biết: “Em rất thích khi được học các môn lịch sử, địa lý ở trên máy tính thông qua website của nhà trường. Chúng em được nghe cô giảng bài, thực tế bằng trực quan sinh động, hình ảnh minh họa cùng những tư liệu hấp dẫn được hiển thị rõ trên máy tính giúp hiểu bài sâu, nhanh hơn, hứng thú hơn trong mỗi giờ học”.

Hiện nay, đề tài “Website hỗ trợ dạy học địa lý - lịch sử địa phương” đã được triển khai sâu rộng trong phạm vi 4 trường THCS trên địa bàn TP Uông Bí. Từ khi áp dụng tới nay, website đang vận hành ổn định và thu hút lượng truy cập lớn. Thông qua kết quả thu thập từ phiếu đánh giá đã cho thấy khả năng tự học của học sinh THCS thông qua hình thức học trực tuyến từ website đã tăng rõ rệt. Ông Phan Hồng Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí, cho biết: “Từ khi áp dụng tới nay, ý thức học tập của học sinh đối với môn lịch sử, địa lý được nâng cao lên vượt bậc. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục áp dụng, triển khai sâu rộng phương pháp dạy học này trong các trường THCS trên địa bàn thành phố, góp phần kích thích khả năng phát triển năng lực tự học các môn học lịch sử, địa lý cho học sinh THCS”.

Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 80755 Tổng lượt truy cập 89261299