Giữ gìn đa dạng sinh học vì sự sống hôm nay và mai sau

Từ năm 1993, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22 tháng 5 hàng năm là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các nguồn lợi thiên nhiên cũng như bảo vệ các nguồn gen. Đến nay đã có 196 quốc gia trong đó có Việt Nam ủng hộ mục tiêu chung này.

Trải qua 27 năm, mặc dù đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng song sức ép phát triển kinh tế vẫn đang tác động mạnh mẽ đến các hệ sinh thái tự nhiên và làm tính đa dạng sinh học bị suy giảm đến mức báo động thậm chí là suy kiệt.

Theo số liệu ước tính của Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc trên trái đất có khoảng từ 5 đến 30 triệu  loài động thực vật, trong đó, có 1,7 triệu loài đã được đưa vào danh sách. Mỗi năm lại có thêm nhiều loài mới được phát hiện nhưng cũng lại có nhiều loài bị biến mất mà nguyên nhân chủ yếu là do các hành động thiếu trách nhiệm của con người. Các nhà khoa học dự đoán, nguồn cá sẽ bị cạn kiệt từ nay đến năm 2048 nếu cách thức đánh bắt không thay đổi và nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được cải thiện thì từ nay đến năm 2050,  90% san hô sẽ bị suy thoái nghiêm trọng.

Vịnh Hạ Long là nơi có nhiều loài thực vật đặc hữu (Thiên tuế Hạ Long mọc cheo leo trên vách núi - Ảnh: Đại Dương)

Với những điều kiện  tự nhiên riêng có của mình, Quảng Ninh có tính đa dạng sinh học không thua kém bất kỳ địa phương nào trên cả nước. 70%  diện tích tự nhiên tương đương 436 000 ha rừng và đất lâm nghiệp  và những cánh rừng ngập mặn ven biển  với nhiều loại động thực vật đặc hữu đã tạo nên những hệ sinh thái vô cùng phong phú cũng như cảnh quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế, điển hình là các khu vực: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn Kỳ Thượng, Quảng  Yên, Tiên Yên, Ba Chẽ... Chiến lược phát triển từ nâu sang xanh của tỉnh đã tạo cơ hội lớn cho công tác bảo vệ môi trường.  Nhờ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được tỉnh tập trung triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã nằm trong nhóm địa phương đi đầu cả nước về tỷ  lệ che phủ rừng lên tới  54,6%.  Từ năm 2018,  tỉnh  đã cấm đánh bắt bằng các phương tiện tận diệt, chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững. Những cánh rừng ngập mặn không ngừng được mở rộng ra phía biển, những ngọn đồi, bãi thải đang được phủ xanh hoàn nguyên môi trường mỗi ngày sau các hoạt động khai thác than, vận động ngư dân đánh bắt …

Tại Quảng Ninh, có những nguồn lợi thiên nhiên vốn dồi dào và đóng vai trò quan trọng song do tác động của thiên nhiên và nhất là của con người đã bị suy giảm nghiêm trọng. Điển hình là các rạn san hô tại Cô Tô. Trong nhiều năm những phương pháp khai thác tận diệt như lưới đóng, giã cào, te, cầu, chất nổ... làm khuẩn đục nền đáy, gẫy nát san hô, giết chết sinh vật hàng loạt, trong đó có cả trứng và ấu trùng san hô. Từ đó, hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển Cô Tô đã mất phần lớn về độ phủ và phạm vi phân bố, thành phần loài san hô cũng còn rất ít và đơn điệu. Hậu quả là nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế ở Cô Tô đã ít hoặc không được bắt gặp như tôm hùm, bào ngư..., loại hình dịch vụ du lịch thú vị là lặn ngắm san hô mất đi cơ hội phát triển…

Các giá thể san hô đang dần phát triển tại các rạn nhân tạo (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cung cấp)

Tuy nhiên dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo tại vùng biển đảo Cô tô nhằm bảo vệ , tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai  từ 2018 đến nay đang  mở ra triển vọng hồi sinh  8700 m2 rạn  san hô tại Cô Tô con và Hòn Khói thuộc xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô. Sau giai đoạn thiết lập rạn nhân tạo, thiết lập vườn ươm san hô bằng những nguồn giống lấy từ  tự nhiên,  hoặc tận dụng những tập đoàn bị đổ hoặc gẫy  mà còn sống, các đợt quan trắc định kỳ, khảo sát thu mẫu tại thực địa đã cho những kết quả đánh giá khả quan.

Sẽ là quá sớm để khẳng định công tác bảo vệ môi trường của Quảng Ninh đã được thực hiện triệt để song điều đáng mừng là tinh thần vì môi trường đang được lan tỏa  và thu hút sự quan tâm ủng hộ từ các cấp lãnh đạo đến người dân Quảng Ninh. Và các giải pháp triển khai cũng rất thân thiện hài hòa trên quan điểm dựa vào thiên nhiên như chủ đề của ngày đa dạng sinh học quốc tế năm nay hướng tới là “Các giải pháp của chúng ta đều sẵn có trong tự nhiên”. Nhờ đó đã tạo ra những sự thay đổi tích cực nhất định, góp phần bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn sự đa dạng sinh học, vì sự phát triển bền vững.

Theo Quỳnh Tâm/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/202005/giu-gin-da-dang-sinh-hoc-vi-su-song-hom-nay-va-mai-sau-2484539/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15789 Tổng lượt truy cập 91389615