Giảm tải ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn

Sự phát triển KT-XH của Quảng Ninh trong thời gian qua đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt lên tới khoảng 1.200 tấn/ngày. Hiện tổng lượng chất thải rắn được thu gom đạt khoảng 90%, xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp và đốt. Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn sẽ tiếp tục tăng mạnh và các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều áp lực về xử lý chất thải khi các bãi chôn lấp đang bị quá tải, còn xử lý bằng công nghệ đốt thì làm gia tăng nguồn kinh phí ngân sách.

Cán bộ dự án Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn tuyên truyền cho người dân xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) về lợi ích cũng như cách thức phân loại rác tại nguồn.

Theo phân tích từ cơ quan quản lý môi trường của tỉnh, nguồn rác thải sinh hoạt hiện nay có tới 60% rác hữu cơ, một nguồn nguyên liệu lớn để chế biến thành các loại phân bón. Đối với lượng rác vô cơ còn lại (nhựa, thủy tinh, kim loại, cao su...) hoàn toàn có thể trở thành nguồn nguyên liệu tái chế và có thể “biến rác thành tiền”. Chính vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn trước khi đem đi thu gom không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tác động tích cực đến môi trường, giảm sức ép cho các địa phương khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý không còn nhiều.

Tuy nhiên, khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân còn rất thấp, thậm chí gần như không có và cho rằng trách nhiệm thu gom, xử lý, phân loại rác là của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Các cán bộ dự án và người dân Ba Chẽ thực hiện ủ phân vi sinh bón cho cây trồng từ nguồn rác hữu cơ đã được phân loại.

Nhằm hình thành cho người dân lối sống thân thiện, tích cực với môi trường, hướng tới việc tuần hoàn, tái sử dụng chất thải, năm 2018 và 2019, tỉnh đã triển khai dự án Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn tại các huyện Cô Tô, Ba Chẽ và TP Uông Bí. Những địa điểm này thuộc 3 nhóm địa phương điển hình của tỉnh. Một nơi là huyện đảo mới thành lập, có diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất, nhưng giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong vùng biển Đông Bắc và đang có sự phát triển nhanh; một nơi thuộc vùng núi cao, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sống bằng nghề rừng; một nơi là đô thị, mật độ dân số đông, có hoạt động sản xuất  công nghiệp điện, than lớn.

Triển khai dự án trên, Sở TN&MT đã phối hợp với các địa phương liên tục tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các hộ gia đình về những nội dung liên quan đến phân loại chất thải rắn tại nguồn. Sau các buổi tập huấn, cán bộ dự án đến từng hộ gia đình tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện; đồng thời, thường xuyên giám sát và cập nhật tình hình triển khai của các hộ gia đình.

Cán bộ dự án cấp phát phân bón hữu cơ cho người dân xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô), thành quả của người dân sau khi thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Theo đó, các hộ dân và địa phương đã được hỗ trợ túi đựng, thùng và xe gom rác. Hàng ngày, người dân sẽ phân loại rác hữu cơ, vô cơ vào thùng đựng rác theo đúng màu túi quy định (màu xanh chứa chất hữu cơ, màu đỏ là những rác có khả năng tái chế, những túi màu còn lại để chứa rác thải khác), sau đó sẽ mang những túi rác này đến nơi tập kết để tiện cho việc thu gom, xử lý của các đơn vị môi trường. Toàn bộ lượng rác thải hữu cơ sẽ được đơn vị môi trường mang đến điểm tập kết của địa phương để các thành viên dự án hướng dẫn người dân cách ủ thành chế phẩm vi sinh bón cho cây trồng.

 

Tham gia dự án, hơn 10.000 người dân, học sinh, cùng các cấp và hộ sản xuất, kinh doanh đã có sự thay đổi rõ rệt về ý thức và hành động trong bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) cho biết: Sau khi được tham gia dự án, ý thức chủ động phân loại rác ngay tại nguồn của người dân trên địa bàn phường đã nâng lên một cách rõ rệt, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Bởi chính từ thực tế cho thấy, để giảm áp lực xử lý rác thì việc phân loại rác tại nguồn là việc làm hiệu quả nhất, cũng là dễ làm và tiết kiệm chi phí nhất.

Sau 2 năm triển khai, gần 10.000 người dân, học sinh, cùng các cấp và hộ sản xuất, kinh doanh ở những địa phương triển khai dự án Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn đã cơ bản nhận thức được mục tiêu, ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng và nhắc nhở cộng đồng thực hiện nghiêm túc.

Hiện người dân phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) đều bố trí 2 thùng rác tại nhà để phân loại rác tại nguồn.

Tại cả 3 địa bàn, người dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, rác được tổ chức thu gom, xử lý riêng, rác hữu cơ được ủ thành phân bón phát miễn phí cho người dân. Cụ thể, lượng rác đem đi xử lý (chôn lấp hoặc đốt) ở phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) và xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) đã giảm khoảng 35%, ở xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ) đã giảm 15-20% so với trước.

Từ thành công bước đầu trong triển khai dự án, thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh cần quan tâm mở rộng mô hình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến người dân, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường bền vững.

 

Theo Hoàng Nga/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202004/giam-tai-o-nhiem-moi-truong-tu-dau-nguon-2480693/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 112648 Tổng lượt truy cập 89314701