Giải quyết chất thải nhựa và nilon bằng hành động cụ thể

"Giải quyết chất thải nhựa và nilon" là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2018, nhằm kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp, cộng đồng và cá nhân cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thay thế bền vững, giảm nhanh việc sản xuất và sử dụng quá nhiều chất dẻo dùng một lần làm ô nhiễm các đại dương, đe dọa sức khỏe con người.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. 

Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ... Theo phân tích của các nhà khoa học, với tình trạng vứt rác bừa bãi, đặc biệt là túi ni lon, vỏ nhựa xuống biển như hiện nay thì chẳng mấy chốc đại dương ngập trong rác và nhiều loài sinh vật biển sẽ bị bức tử.

Mới đây tại Thái Lan một con cá voi bị chết dạt vào bờ biển, khi mổ thi thể cá đã phát hiện trong dạ dày nó có đến 80 chiếc túi nilon. Nguyên nhân nhiều cá voi bị chết gần đây được cho là do nuốt phải nhiều chất thải nilon khiến cá không hấp thụ được thức ăn, suy dinh dưỡng và ngộ độc. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học, không chỉ hủy diệt sinh vật biển mà việc đổ rác xuống biển sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, dự báo đến năm 2025 cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác, đến năm 2050 rác sẽ nhiều hơn cá…

Không phải loài người không nhận thấy những tác hại của việc vứt rác ra biển, nhưng để ngăn ngừa việc này ngoài việc nâng cao ý thức của con người thì điều quan trọng là phải có những chế tài, biện pháp quản lý và các giải pháp khoa học.

Từ nhiều năm trước chúng ta cũng đã mở nhiều chiến dịch như: “Nói không với túi nilon”, “nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”; hội phụ nữ các cấp cũng đã từng phát động phong trào “đi chợ bằng làn” nhằm hạn chế việc lạm dụng túi nilon trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển thì việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa ngày càng nhiều hơn, tình trạng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng gia tăng.

Đi dọc bờ biển khi thủy triều xuống sẽ thấy la liệt túi nilon, vỏ chai nhựa. Không chỉ ở bãi biển tại các khu du lịch nổi tiếng, ngay cả những nơi hoang sơ như Ngọc Vừng (Vân Đồn) rác thải nhựa cũng đã xuất hiện khá nhiều, phần lớn là do khách du lịch mang đến.

Sự tiện dụng của túi nilon đã tạo thành thói quen khiến người dân khó từ bỏ. Túi nilon được dùng thoải mái tại các siêu thị, chợ, cửa hàng, ngay tại các quầy hàng thực phẩm, tiện dụng đến mức túi nilon được đặt ở mọi vị trí để khách hàng dễ dàng sử dụng. Đơn cử, để vào siêu thị mua một bó rau, quả cam khách hàng sẽ sử dụng đến 3 loại túi nilon. Theo nhẩm tính, trung bình mỗi ngày một gia đình sử dụng ít nhất 5 chiếc túi nilon, con số này nhân lên thành triệu triệu chiếc túi sẽ thải ra môi trường...

Giờ đây rất khó để tìm được hình ảnh các bà, các chị xách làn đi chợ mua sắm, dùng cặp lồng để đựng đồ ăn, hầu như mọi thứ đều sử dụng từ nhựa dùng một lần.

Thói quen và ý thức trách nhiệm là hai thứ khó yêu cầu thay đổi nếu chỉ bằng các biện pháp tuyên truyền, kêu gọi, một nhà xã hội học đã đúc kết như vậy. Để làm thay đổi thói quen, buộc con người phải có ý thức trách nhiệm trước hành vi của mình đối với xã hội nếu chỉ bằng kêu gọi thì rất khó, mà cần phải có kỷ luật.

Singapore là quốc gia nổi tiếng về vấn đề bảo vệ môi trường và cũng là nước nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, giữ gìn trật tự kỷ cương về bảo vệ môi trường. Được biết ở Singapore nếu người nào bị bắt gặp xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích… Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của động thái trên chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.

Còn ở nước ta cũng đã có Nghị định số 73/2010/NĐ-CP (12/7/2010) quy định mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, cho đến nay việc xử phạt những hành vi đó hầu như chưa được áp dụng.

Bên cạnh đó cần phải có các giải pháp hạn chế sản xuất nhựa dùng một lần, thay thế túi nilon bằng các vật liệu dễ tiêu hủy khác, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Để làm được điều đó, ngay bản thân các siêu thị lớn cũng cần thay đổi, hạn chế việc gói đồ bằng túi nilon. Thực tế tại siêu thị của Tập đoàn Metro (hiện nay là MM Mega Market) đã có giải pháp bảo vệ môi trường bằng hạn chế sử dụng túi nilon, chỉ dùng túi sử dụng nhiều lần để đóng gói sản phẩm và khách hàng phải mua, thay bằng việc miễn phí túi nilon tràn lan như một số siêu thị khác.

Hành động một cách thiết thực, cụ thể và thường xuyên không chỉ một năm một lần, không chỉ bằng kêu gọi suông, phải bằng việc thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần bằng những vật liệu không gây ảnh hưởng đến môi trường; các siêu thị, cửa hàng hạn chế cấp túi ni lon miễn phí cho khách hàng khuyến khích người dùng sử dụng túi dùng nhiều lần. Đặc biệt bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân phải có những hình thức xử phạt thật nghiêm khắc đối với những hành vi xả rác ra môi trường...

Theo Đặng Nhung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12062 Tổng lượt truy cập 91152371