Giải pháp nào ổn định đầu ra cho nông sản địa phương?

Trong khi nông dân thường xuyên đối mặt với tình cảnh được mùa mất giá thì thị trường Quảng Ninh, nhất là tại những siêu thị lại đang thiếu các nông sản địa phương. Trước thực trạng này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp hơn nữa để người sản xuất và nhà tiêu thụ "gặp nhau".

Vải chín sớm Phương Nam được mùa nhưng mất giá.

Nhờ duy trì tốt nguồn giống, kinh nghiệm chăm sóc lâu đời, diện tích mở rộng, vải chín sớm Phương Nam trở thành một trong những cây chủ lực của phường Phương Nam nói riêng và TP Uông Bí nói chung. Trong 3 năm gần đây, mặc dù diện tích tăng thêm chưa đến 10ha, nhưng sản lượng lại lên đến 1.000 tấn (năm 2016), 2.800 tấn (năm 2017) và 4.000 tấn vụ vải năm nay. Tuy nhiên, vụ vải năm nay, bà con Phương Nam lại rơi vào tình trạng lao đao, được mùa, mất giá, khó khăn đầu ra. Vì thế, mặc dù sản lượng đạt gần 4.000 tấn (cao hơn 1,5 lần so với năm 2017), nhưng giá trị chỉ đạt 63 tỷ đồng (thấp hơn 13 tỷ đồng).

Nguyên nhân là do thời điểm vải chín sớm Phương Nam vào vụ thu hoạch trùng với thời điểm thu hoạch vải của các vùng trồng lớn như Hải Dương, Bắc Giang... Trên địa bàn tỉnh, vải chín sớm Bình Khê (TX Đông Triều) năm nay cũng được mùa, thời gian chín chỉ muộn hơn vải chín sớm Phương Nam vài ngày, chất lượng tương đương. Chính bởi vậy, thương lái đổ dồn về các vùng vải chín sớm của toàn quốc thay vì chỉ tập trung ở Phương Nam như những năm trước đây.

Do đó, vải chín sớm Phương Nam không còn giữ được lợi thế như trước, dẫn đến khó tiêu thụ, giá bán thấp. Trong khi đó, quả vải lại chín rất nhanh và rộ vào một thời điểm, không thể kéo dài thời gian thu hoạch, người dân ít chú trọng cho việc tiêu thụ trong tỉnh, việc chạy theo sản lượng đã khiến nhiều cây vải có nguy cơ bị bại, chất lượng quả giảm dần, thời điểm chín muộn hơn 10 ngày.

Tương tự, vải Đông Triều năm nay cũng rơi vào tình trạng như vải chín sớm Phương Nam. Theo đó, TX Đông Triều năm nay có 948ha vải chín sớm và vải thiều, trồng tập trung ở các xã: Tràng Lương, Bình Khê, An Sinh, Hồng Thái Đông, tổng sản lượng ước đạt trên 11.500 tấn quả. Tuy nhiên, vải Đông Triều cũng gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ ổn định. Vải chủ yếu được bán cho các thương lái ở chợ với giá từ 5.000-6.000 đồng/kg.

Trước tình thế đó, các sở, ngành của tỉnh đã tích cực phối hợp với địa phương triển khai những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Trong đó, vải đã được BigC Hạ Long hỗ trợ bày bán tại siêu thị trong 3 ngày với sản lượng 5 tạ/ngày. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiêu thụ này chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững. Thực tế cho thấy điệp khúc "được mùa, mất giá" không chỉ xảy ra đối với quả vải, mà nhiều nông sản khác của địa phương trong tỉnh đã từng rơi vào tình trạng tương tự như: Mía tím Hoành Bồ, khoai tây Đông Triều, dong riềng Bình Liêu...

Chỉ số ít sản phẩm OCOP được bày bán tại Siêu thị BigC Hạ Long.

Trong khi nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa, mất giá thì thị trường Quảng Ninh lại đang thiếu vắng chính các sản phẩm địa phương, nhất là tại các siêu thị, nơi được đánh giá là kênh phân phối lớn với thị trường tiêu thụ rộng và đầu ra ổn định. Hiện toàn tỉnh chỉ có số ít các sản phẩm OCOP đang được bày bán tại các cửa hàng OCOP, điểm bán lẻ nông sản, điểm dừng chân.

Được biết, trong khuôn khổ của tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP (tháng 9/2017), Sở Công Thương và Tập đoàn Central Group Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại hệ thống BigC trên cả nước. Trên cơ sở đó, BigC Hạ Long đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoàn thiện thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong siêu thị. Song toàn tỉnh vẫn chỉ có một số rất ít sản phẩm, như: Trứng gà Tân An, nước mắm Cái Rồng, rau an toàn Việt Long, rượu Ba kích... đáp ứng được đầy đủ điều kiện đưa vào tiêu thụ tại BigC Hạ Long trong thời gian ngắn. Còn đến nay, các nông sản địa phương vẫn vắng bóng tại siêu thị này.

Tại các siêu thị khác như Vinmart, Megamarket thì nông sản địa phương chưa từng xuất hiện. Một đại diện siêu thị BigC Hạ Long cho rằng, việc tiêu thụ nông sản địa phương sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, chủ động trong nguồn hàng, đánh giá được thực tế khách quan tại cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển của mình, BigC Hạ Long đang thực hiện "địa phương hóa" sản phẩm. Tuy nhiên, ngoài việc thiếu các thủ tục pháp lý, nông sản Quảng Ninh còn những hạn chế về mẫu mã, sản lượng chưa ổn định, chất lượng không đồng nhất, giá bán còn cao, không đa dạng chủng loại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương, để giải bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương cần đánh giá khách quan chất lượng nông sản địa phương hiện nay, từ đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản sản phẩm, tích cực hoàn thiện các tiêu chuẩn, thủ tục, cơ sở pháp lý theo quy định. Việc mở rộng diện tích đi liền với chế biến, sản xuất, tiêu thụ nông sản; chú trọng tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh cũng là một giải pháp ổn định đầu ra cho nông sản địa phương.  

Theo Cao Quỳnh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 37277 Tổng lượt truy cập 91131559