Ghi từ vụ thu hoạch vải chín sớm Phương Nam năm 2016

Thời điểm này, tại vựa vải chín sớm Phương Nam đang bước vào những ngày cuối của vụ thu hoạch năm 2016. Khẩn trương, hối hả, tất bật, người trồng vải đang “chạy đua ” cùng cái nắng gay gắt đầu hè để có thể tiêu thụ hết sản lượng vải đã đến kỳ thu hoạch. Vụ vải năm nay, sản lượng tăng gấp rưỡi năm ngoái. Song những bất lợi của thời tiết cùng những biến động của thị trường tiêu thụ đã khiến cho niềm vui được mùa của người trồng vải không trọn vẹn.

Những nỗ lực đầu tư cho vụ vải

Đợt mưa lũ lịch sử tháng 8 năm 2015, phần lớn diện tích vải chín sớm Phương Nam bị ngập trong nước lũ. Sau đó, vào đợt rét đậm rét hại đầu năm 2016, lượt hoa đầu tiên của giống vải này hầu hết bị lụi do giá rét. Những bất lợi liên tiếp của thời tiết khắc nghiệt gây nhiều lo lắng cho người trồng vải và chính quyền địa phương về một vụ thu hoạch dự báo sản lượng thấp hơn mọi năm. Song, với sự chủ động, tích cực của địa phương trong mời các chuyên gia về hướng dẫn bà con biện pháp khắc phục thiệt hại. Cùng với thời điểm đợt ra hoa lần hai sau rét đậm rét hại thời tiết “chiều lòng người”, nên kết quả, thời gian đầu vụ thu hoạch, nhiều vườn vải cho sản lượng vải khả quan. Dự báo của địa phương, sản lượng vải năm nay gấp 1,5 lần so với năm ngoái (khoảng 1.500 tấn quả).

Vải chín sớm Phương Nam được mùa. 

Bên cạnh đó, quyết tâm giữ vững thương hiệu vải chín sớm Phương Nam, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc vải, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng Việt Gap, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho quả vải. Phường cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đúng qui trình chăm sóc cây vải. Khi vải chuẩn bị thu hoạch, vận động bà con không hái vải xanh, đợi vải chín đủ tiêu chuẩn mới bán. Ông Lê Bá Bin, người trồng vải khu Phong Thái, phường Phương Nam cho biết việc gia đình tuân thủ đúng khuyến cáo của chính quyền không hái vải xanh mang bán: “Do được tập huấn các lớp kỹ thuật về thu hái vải của Hội Nông dân phường tổ chức, nên lúc giá cao vải chưa đủ tiêu chuẩn chúng tôi kiên quyết không hái bán. Chúng tôi đợi vải chín đúng độ, đủ lượng đường, tiêu chuẩn như khuyến cáo thì mới thu hoạch. Dù giá có giảm so với đầu vụ nhưng tôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành đúng qui trình để đảm bảo chất lượng, giá trị của quả vải chín sớm Phương Nam”.

 

Ông Lê Bá Bin - Phải đợi vải chín đủ tầm mới thu hoạch.

Đặc biệt, trước vụ thu hoạch, lần đầu tiên phường Phương Nam tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ cho quả vải chín sớm. Tại hội nghị, phường đã mời các thương lái, chủ thu mua trong và ngoài địa bàn, các hộ trồng vải đến trao đổi, thảo luận, thống nhất tiếng nói chung đảm bảo việc thu hoạch vải được thuận lợi.

Và những bất lợi ngoài mong đợi

Chúng tôi đến khu Hồng Cẩm, phường Phương Nam vào đúng ngày nắng nhất của đợt nắng nóng cao điểm đầu tháng 6.

Người dân hối hả mang vải đến bán tại các điểm thu mua.

Người dân chờ được cân vải trong cái nắng 39 độ C. 

9 giờ sáng, tại một điểm thu mua, không khí càng trở nên ngột ngạt, bức bối hơn khi bà con dồn dập chở vải đến điểm tập kết, chờ thương lái phân loại, định giá. Giá vải hôm nay từ 18 đến 22 ngàn đồng/kg. Chỉ cách đó 2 ngày, giá 1kg vải thương lái thu mua là 28 ngàn đồng. Còn vào đầu vụ, một số vườn vải bán được giá 52 đến 54 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá vải không cao như mong đợi, song nhiều hộ vẫn phải lựa chọn cách bán cho thương lái càng nhanh càng tốt, nhất là trong tình trạng thời tiết nắng nóng. Anh Nguyễn Văn Toản, trồng vải tại khu Cẩm Hồng cho biết: “Tiêu thụ vải năm nay so với mọi năm là kém hơn. Do thời tiết nắng nóng quá, nhiều vườn vải quả bị sém. Khi bà con mang đi bán thương lái hạ giá xuống nhiều. Có nhà phải mang về vì không bán được”.

Một bất lợi xảy ra ở cuối vụ thu hoạch vải là tại khu Cẩm Hồng, do hứng chịu đợt gió Tây thổi khi thời tiết nắng nóng cao điểm, đã khiến cho nhiều hộ trồng vải trong khu bị hiện tượng quả vải rám vỏ, cháy nắng. Nhiều hộ lượng vải cháy nắng khoảng vài ba tạ quả. Có hộ lượng vải bị rám lên tới 4 tấn quả, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nhà Bà Lê Thị Thoa hối hả chở vải đến điểm thu mua, song lại ngao ngán quay về vì thương lái từ chối mua những quả bị cháy nắng. Bà Thoa nói trong nỗi buồn thất thu vải: “Vải bị rám vỏ, cháy nắng nhiều không ai mua cho. Ở ngoài đồng mọi người phải bỏ đi nhiều. Chúng tôi mang ra đây (điểm thu mua), thương lái họ từ chối không mua nữa. Như mọi năm, chúng tôi để dành những cây sai quả nhất, quả to, đẹp nhất đến cuối vụ để bán. Đâu ngờ phải đợt gió Tây quả cháy sém. Nhìn vải cháy mà ngao ngán quá!”…

Thương lái từ chối mua vải bị cháy nắng, một số hộ phải tìm cách tự tiêu thụ vải tại địa bàn với giá chỉ 10 ngàn đồng/kg...

Một vạt vườn vải quả bị rám vỏ.

Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng tìm cách ổn định tiêu thụ cho quả vải chín sớm Phương Nam, do những nguyên nhân khách quan, vụ vải này, tuy được mùa, song một thực tế, việc tiêu thụ vải lại khó khăn hơn so với vụ vải trước. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết: “Quả thực năm nay vải chín sớm Phương Nam được mùa song tiêu thụ lại khó khăn. Do thương lái về thu mua muộn. Dịp vải chín rộ, thu hoạch tập trung thì các xe thu gom mua vải ít hơn năm ngoái. Sản lượng vải năm nay lại lớn, dẫn đến tình trạng sức tiêu thụ giảm so năm ngoái. Giá vải năm nay cũng thấp hơn, chúng tôi tính toán trung bình chỉ đạt 25 ngàn đồng/kg. Năm ngoái giá trung bình khoảng 30 ngàn đồng/kg”.

Giá cả quả vải cũng thiếu tính ổn định, lên xuống nhiều mức giá khác nhau. Ông Trần Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam nói: “Năm nay có biến động nhiều hơn năm ngoái về giá. Sáng giá quả vải 30 ngàn đồng/kg, chiều đã xuống 26, 27 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân có thể do lượng vải thu hoạch lớn, dân ồ ạt bán, thương lái không tiêu thụ kịp nên phải hạ giá bán”.

Vải bị rám vỏ do cháy nắng.

Lý giải thêm về tình trạng tiêu thụ vải chậm, ông Lê Trung Thiện, người thu mua vải nói: “Vụ này việc tiêu thụ vải chậm, giá cả quả vải biến động hơn do năm nay thời điểm vải Phương Nam chín sớm so với các vùng vải khác gần quá, chỉ chênh khoảng 1 tuần lễ. Trong khi những năm trước chúng tôi thu mua ở Phương Nam xong 2 tuần mới thu mua sang các vùng vải khác như Bình Khê, Thanh Hà. Thời điểm chín của các vùng vải gần nhau quá nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến giá cả của quả vải chín sớm Phương Nam”.
Thời điểm cuối vụ vải, một số hộ có diện tích trồng vải lớn của Phương Nam sản lượng vẫn còn tương đối. Trong điều kiện cho phép, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục liên hệ để các thương lái tập trung thu mua cho bà con, đảm bảo mức giá tốt nhất có thể. Dù sao, người trồng vải ở đây vẫn hy vọng đón đợt mồng một tháng 5 âm lịch tới, sức tiêu thụ quả vải sẽ tăng hơn. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết thêm: “Trước tình trạng vải tiêu thụ chậm, phường sẽ tăng cường thông tin liên hệ với các thương lái để họ thu mua thêm cho bà con. Hy vọng đón đúng đợt mồng 1 tháng 5 âm lịch tới, sức tiêu thụ vải sẽ tăng lên, giá cả quả vải cũng sẽ đảm bảo hơn cho bà con”.

Video ghi nhận từ vụ thu hoạch vải chín sớm Phương Nam năm 2016:

 

 

 

 

Hoàng Yến-Hồng Hoàn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21426 Tổng lượt truy cập 91399914