Đức Doanh - một hồn thơ lặng lẽ

Tôi gọi như vậy vì không giống các tác giả khác, Đức Doanh cứ lặng lẽ với miền yêu của mình rồi lặng lẽ xuất bản thơ mình khi có đủ điều kiện. Tôi biết có khoảng thời gian anh bệnh nặng, có vẻ anh đã lặng tiếng với thơ, nhưng rồi anh bất ngờ xuất bản tập “Mảnh đất đời tôi” với biết bao cung bậc thơ với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên và trọn đời gắn bó. Ấy là thành phố than điện Uông Bí.

Trang bìa tập thơ.

Tập thơ như một nỗi niềm riêng, nhưng chất chứa ở đó là những nỗi niềm chung của những số phận con người, biến cố xã hội mà anh như là một chứng nhân. Đức Doanh tạo ra một mạch cảm xúc thơ rất riêng với những tác giả cùng thời, cùng địa bàn sinh sống, cùng cảm tác về vẻ đẹp của miền quê mình gắn bó. Cái riêng ấy được ông gói vào chiều sâu tâm tưởng trong các câu, các bài, thậm chí là chuỗi bài nhưng vẫn có những nét riêng biệt.

Chẳng hạn, ông viết về nghề làm mỏ và nơi ông đã gắn bó cùng những người thợ mỏ như: “Tôi sinh ra trên mảnh đất vùng than.../ Và hôm nay trong đội ngũ đào than/ Tôi theo cha cùng đội quân hùng dũng/ Cha tôi dạy tôi biết khoan mìn, dừng vì, chống cột/ Biết hướng đi tránh vỉa gặp phay”... (Mảnh đất đời tôi). Hoặc ở trạng huống khác: “Tâm hồn tôi đầy ắp những than/ Như cây xanh bên đường bám đầy bụi mỏ/ Chả biết tôi yêu từ bao giờ nữa/ Cái vỉa than nằm dưới lòng sâu”... (Tâm hồn tôi).

Những câu thơ trong chuỗi bài viết về người làm than sống cùng thành phố thật đúng là những “vỉa” quặng cho thơ ông. Mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ông để ông có thể viết về họ, về những điều bình dị của cuộc sống thường ngày nhưng vô cùng đặc biệt. Những người thợ mỏ đã cho ông những lát cắt về cuộc sống riêng biệt ấy, để ông trân trọng và tự hào vì mình cũng đứng trong cùng đội ngũ những người thợ mỏ gian nan trong công việc nhưng vô cùng vinh quang.

Trong tập thơ “Mảnh đất đời tôi”, tác giả Đức Doanh đã phân định từng phần, ông dành những trang viết về những người thợ mỏ, một phần với những trăn trở về sự biến thiên của xã hội, phần ông dành tặng những gì ông yêu mến thân thương, những niềm yêu dung dị. Nhưng đó là chủ ý của tác giả, chứ thực ra, đối tượng thẩm mỹ của thơ vẫn là cảm xúc hướng tới những điều tốt đẹp, những điều mà bên ngoài cuộc sống vẫn đang theo vòng vận động không ngưng nghỉ, góp phần tạo nên một xã hội chung không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp. Và, theo tôi, thơ không cần thiết phải rành rẽ, tách bạch thế, khi mà người thợ mỏ hay người không làm mỏ đều có chung một nhịp đập con tim như nhà thơ đã viết: “Câu thơ đeo đẳng cùng tôi/ Buồn vui chan lẫn khóc cười bể dâu”, mà ông làm đề từ cho phần hai của tập thơ.

Tác giả khi quan sát những diễn biến đời thường trong bài Hội làng đầy day dứt: “Tiết xuân vài hạt mưa bay/ Chị đi xem hội giãi bày điều chi/ Lâu nay tiếng bấc tiếng chì/ Con trai giàu có mẹ đi ăn mày...”. Bài thơ mở ra một không gian mới của xã hội hiện đại khi chủ thể của xã hội ấy bị rơi vào vòng xoáy tiền bạc thất bại, nỗi đau đó không của riêng ai. Không ai mong muốn, nhưng trong sự biến thiên của cuộc đời đầy bất trắc thì người thông minh, giỏi giang cũng không thể tránh khỏi những cơn lao dốc không phanh ấy theo ý khách quan. Đó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về số phận con người.

Phần cuối của tập thơ, ông đã viết câu đề từ như một bản tình ca đẹp của riêng mình dành tặng cho những thương yêu mà riêng ông có: “Lan man dăm mẩu thơ tình/ Gửi trăng, gửi gió, gửi mình đằng xa”. Nhà thơ đã thành công khi nói riêng cho mình mà đã nói hộ cho người khác nữa: “Lá dong có lạt bán kèm/ Anh mua về gói duyên thêm mặn mà”... (Cô bán lá dong). Hoặc ở bài Chiều bến Rừng, ông đã khắc họa cô lái đò khá ám ảnh: “Hỡi em cô gái lái đò/ Hãy thương nhau giúp sang bờ kẻo đêm/ Nợ tình ta gửi trái tim/ Nợ tiền ta trả cho em cả đời”...

Thơ Đức Doanh chỉ là những quan sát lặng lẽ nhưng luôn trăn trở để kiếm tìm, để hóa thân vào cảnh huống đó và gieo vào đó nỗi niềm cảm xúc để cống hiến cho người đọc những khoảnh khắc riêng, chung...

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc (Theo baoquangninh.com.vn)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26025 Tổng lượt truy cập 91112029