Độc đáo chợ cảnh Uông Bí

Đưa lên Facebook . . Dù mới khai trương chưa đầy 20 ngày và chủ yếu hoạt động vào cuối tuần nhưng chợ cảnh Uông Bí đã thu hút trên 40.000 người đến tham quan, mua sắm, trong đó có không ít khách đi theo tour du lịch của các hãng lữ hành và du khách nước ngoài. Khu chợ hấp dẫn du khách không chỉ bởi đây là mô hình chợ sinh vật cảnh đầu tiên của tỉnh, mà còn ở những nét rất độc và lạ từ không gian, khung cảnh, cách bài trí, sản phẩm hàng hóa đến văn hóa mua, bán hàng…

Khách hàng thích thú khi bắt gặp chiếc bình tông được dùng phổ biến thời kỳ chiến tranh.

Không ồn ào, màu sắc, hoành tráng, hiện đại, chợ cảnh Uông Bí được xây dựng theo mô típ chợ quê, trên nền tảng một phần diện tích từng bỏ hoang trước đây của chợ Yên Thanh. Các mặt hàng bày bán trong chợ là những cây, con giống, sinh vật cảnh, thú cưng, đồ cổ, đồ cũ, đồ lưu niệm, kỷ vật… Hoạt động mua bán cũng được diễn ra nhẹ nhàng, thân mật, không có khoảng cách giữa người bán, người mua. Khách hàng đến chợ ngoài tham quan, mua sản phẩm còn được thưởng thức các hoạt động văn hóa dân tộc, tham gia các hội thi sinh vật cảnh. 

Với không gian yên ả, khu gian hàng đồ cổ, đồ cũ, đồ kỷ vật lại là nơi thu hút khách hơn cả. Trong khu hàng có nhiều loại đồ cổ, đồ cũ, từ những vật dụng thông thường trong gia đình đến những bộ dụng cụ chuyên ngành quen thuộc từ nhiều thập niên trước. Giá cả đồ vật ở đây cũng vô cùng phong phú. Người mua có thể tùy theo sở thích, đam mê và khả năng tài chính để lựa chọn các món đồ với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu hoặc vài chục triệu đồng.

Dạo qua các khu chợ, trong nền nhạc du dương của ca khúc xưa được phát ra từ chiếc đài cát sét đời những năm 80 của thế kỷ trước nối với đôi loa thùng cũ, khách hàng thong thả nhìn ngắm, cầm nắm, thậm chí bàn luận, phân tích những món hàng mình quan tâm. Cảm giác như được trở lại với ký ức xa xưa. Và có một điều rất lạ ở gian chợ này là cảm giác thời gian trôi rất chậm. Cả khách hàng và chủ hàng đều không lấy gì làm vội vàng mà cùng tham gia bàn luận, kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa cũ…

Nhiều gia đình cho con đến chợ cảnh để ngắm nhìn các con giống, vật nuôi.

 

Đồ cổ, đồ cũ, đồ kỷ vật là những sản phẩm không có chuẩn về giá, vì thế đây cũng là những mặt hàng được khách và chủ mặc cả, trả giá nhiều nhất, tất nhiên là trong không khí vui vẻ, thoải mái. Tôi được chứng kiến một cuộc trò chuyện sôi nổi, không phân biệt được đâu là chủ hàng, đâu là khách hàng và được vị khách vui vẻ cho biết tên là Nguyễn Đức Bình, đang sống tại phường Yên Thanh. Ông Bình tình cờ theo người bạn đến chợ hôm khai trương và mua được một chiếc thắt lưng bộ đội được sản xuất từ gần 40 năm trước. Giờ ông coi món hàng đó như kỷ vật và thường xuyên đến chợ vào những phiên chợ sau với hy vọng bắt gặp thêm đồ vật trong quân binh, thời chiến, một thời gắn bó với ông, là một phần ký ức của ông. Là một vị khách quen thuộc, thường xuyên đến chợ nhưng cũng có hôm thì ông mua được đôi ba sản phẩm yêu thích, hôm thì không mua được gì vì hầu như những sản phẩm này đều đã rất cũ, mua về đôi khi không còn sử dụng được bao lâu nữa mà chủ yếu là để làm kỷ niệm, trưng bày. Chính bởi vậy khách nào yêu quý nó thì giá trị cao, khách nào không quan tâm thì giá trị thấp hoặc không giá trị, chẳng có chuẩn nào cả.

Biểu diễn nghệ thuật đường phố tại chợ cảnh.

 

Không xa các gian hàng đồ cổ, khu vực bán hàng sinh vật cảnh có vẻ sôi động, nhiều màu sắc, bắt mắt hơn cả với rất nhiều những cây cảnh, cây hoa, thú nuôi. Khách hàng của các gian hàng này khá đa dạng, trong đó có rất nhiều khách hàng nhí. Những cô bé, cậu bé chăm chú không rời mắt khỏi những chú chó con, gà, vịt con, mèo con, cá cảnh… Có em mê mẩn vuốt ve, cưng nựng, thậm chí tranh thủ ôm các con thú cưng vào lòng khi chủ hàng cho phép. Sự hào hứng, yêu thương con vật của bọn trẻ dường như còn truyền cảm hứng cho khách hàng người lớn. Chị Nguyễn Thị Khánh, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, quyết định mua cho con gái chú cún cưng, cho biết: Nhà ở xa nên hai vợ chồng chỉ định cho con đi xem, chơi chợ thôi chứ không định mua bán gì. Thế nhưng thấy con bé yêu chú cún này quá, nó cứ lưu luyến mãi không rời nên thôi bố mẹ chịu khó, mang em cún về làm bạn với con.

Có lẽ độc đáo, nhiều sắc màu và thu hút đông đảo các lứa tuổi đến tham quan, mua sắm là các gian hàng cá cảnh, hoa và cây cảnh. Ở đây, các chậu cảnh được trưng bày rất bắt mắt với nhiều thế mang tính nghệ thuật cao, nhiều loại cá cảnh quý hiếm, nhiều loại hoa bản địa ít thấy tại các chợ truyền thống. Do giá cả của nhiều chậu cây cảnh đẹp khá đắt nên không nhiều khách hàng đến chợ mua được, tuy nhiên bù lại có thể đứng hàng giờ liền để ngắm, để bình những thế cây cảnh tâm đắc mà không hề bị chủ hàng nhắc nhở. Các chủ hàng cũng đều vui vẻ cho du khách thoải mái "selfie".

Khách hàng phấn khởi tham gia cổ vũ cuộc thi chim chào mào hót.

 

Ngoài sản phẩm cây, con để bán cho du khách, tại khu vực này ban tổ chức chợ còn trưng bày các loại chim, thú cảnh quý hiếm như thiên nga đen, công trắng, công Ấn Độ, trĩ cảnh, ngựa, khỉ…; bố trí các gian hàng vẽ chân dung, ký họa, in phun hình lên đồ vật cho du khách, café nhạc xưa…, tạo nên nét sinh động và hấp dẫn riêng.

Cách bố trí của chợ cảnh giúp khách đến chợ không hẳn để mua bán mà nhiều khi để thả lỏng, thư thái ngồi thưởng thức ly café thơm ngon trong không gian chợ quê thân thuộc, trong tiếng nhạc xưa hoài niệm, trong thời gian chờ nhận bức ký họa chân dung mình. Vào các ngày cuối tuần khách hàng còn có dịp tham dự các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố; tham gia cổ vũ, đặt cược tại cuộc thi hót đấu của những chú chim chào mào, chim họa mi…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết: Dù chợ cảnh đã bước đầu tạo được nét riêng, tuy nhiên để chợ cảnh phát huy hơn nữa, trong thời gian tới, TP Uông Bí vẫn tiếp tục đầu tư, cải tạo, hoàn thiện hạ tầng, đổi mới hoạt động để thu hút khách hàng. Trước tiên sẽ đảm bảo giao thông, kết nối các đường gom, khu vực trông giữ, dừng đỗ phương tiện; lắp đặt wifi miễn phí, đa dạng hóa các loại sản phẩm, nhất là các sản vật địa phương. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung xây dựng các sản phẩm, hoạt động du lịch trải nghiệm tại chợ như bào chế thuốc nam, chăm sóc thú cưng, cây cảnh, cưỡi ngựa dạo chợ… đồng thời kết nối tour, tuyến, đưa du khách từ các điểm du lịch trên địa bàn như Yên Tử, hồ Yên Trung, Lựng Xanh về chợ cảnh…

Niềm vui của các khách hàng nhí tại chợ cảnh Uông Bí.

 

Mặc dù bước đầu đã tạo được dấu ấn nhưng vì là mô hình chợ cảnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh, lại mới đi vào hoạt động nên vẫn có những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Trong đó, chỉ nói riêng về hiệu quả kinh doanh ban đầu của các hộ còn tương đối thấp. Theo thống kê của TP Uông Bí, trong tuần khai trương đầu tiên, doanh thu hàng hoá bán ra mới đạt gần 1 tỷ đồng. Các gian hàng đồ cổ mặc dù thu hút lượng khách đến tham quan rất đông nhưng giao dịch mua bán thành công thấp nên đạt doanh thu thấp nhất.

Theo Ghi chép của Việt Hoa

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23520 Tổng lượt truy cập 91106985