Để Vân Đồn sớm trở thành trung tâm kinh tế năng động

Mới đây, Bộ Chính trị đã kết luận đồng ý thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới, tiên tiến, tạo thêm nguồn lực góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế cho địa phương, toàn vùng và cả nước. Với những ưu đãi, cơ chế thông thoáng và sự quan tâm của T.Ư, Vân Đồn đang hướng đến trở thành Khu hành chính - kinh tế đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh phát triển năng động và hiện đại.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Bước đột phá quan trọng

Với diện tích hơn 2.000 km2, Vân Đồn có những điểm khác biệt rất lớn so với 14 khu kinh tế ven biển của cả nước. Đó là điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, hàng không và đường biển. Cùng với đó, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng với hơn 600 đảo đá và đất là điều kiện để Vân Đồn có cơ hội phát triển công nghiệp giải trí cao cấp và kinh tế biển. Nắm bắt cơ hội này, ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo và tập trung xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, đồng thời xác định đây sẽ là một trong những bước đột phá quan trọng mang tính chiến lược trong việc tiếp tục xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.

Đến nay, sau hàng chục hội nghị, hội thảo và làm việc, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đối với đề án; trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của T.Ư và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, khả thi. Tỉnh đã thành lập tổ công tác soạn thảo đề án, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng. Đến thời điểm này, tổ công tác đã rà soát toàn bộ 234 luật, bộ luật hiện hành phục vụ việc đề xuất mô hình tổ chức và quản lý; thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống chính trị của Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; nghiên cứu, nắm bắt các cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, bổ sung các nghiên cứu về tình hình thành lập, xây dựng và phát triển của các mô hình đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, khu thương mại tự do của một số nước trên thế giới để hoàn thiện cơ sở thực tiễn cho đề án.

Thi công đường băng của sân bay Vân Đồn.

Bằng quyết tâm rất lớn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được thế giới ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, phải xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có ca-si-nô, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định: “Tới đây, Chính phủ sẽ thảo luận cụ thể về đề án thành lập ba khu hành chính của ba địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang và sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh phải đi trước, hoàn thành sớm đề án, lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành và nhân dân”.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao các mô hình hợp tác công - tư của Quảng Ninh, trong đó việc chọn Tập đoàn Sun Group đầu tư Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức BOT tại Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là mô hình đầu tiên của cả nước. Tới đây, khi các dự án hạ tầng chiến lược của tỉnh gồm đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Móng Cái, cầu Bắc Luân 2,… hoàn thành cùng với sân bay Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hòn Gai và các dự án hạ tầng khác sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên kết vùng hoàn thiện và là cơ hội để Vân Đồn “cất cánh”. Trong tương lai, Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, có bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư và quy tụ phương thức quản lý mới, tiên tiến.

Cần cơ chế đặc thù, đặc biệt

Cùng với xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xây dựng và đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành các chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt đối với Vân Đồn để quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sắp được trình lên Quốc hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh mạnh dạn thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam, có đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới. Có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn để phù hợp đặc điểm, tình hình và phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của Vân Đồn.

Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực không chỉ ở việc xây dựng đề án để được phê duyệt, mà trong 5 năm qua, tỉnh đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó thu hút gần 20 nghìn tỷ đồng làm các công trình động lực, như sân bay, khu dịch vụ phức hợp cao cấp có ca-si-nô, khu nghỉ dưỡng, hơn 40 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông quan trọng kết nối đến Vân Đồn,... Điều này khẳng định những đề xuất mà Quảng Ninh đưa ra để tạo cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Vân Đồn là khoa học, mang tính thực tiễn và thành công cao. Vấn đề đặt ra cho tỉnh Quảng Ninh là phải chủ động đề xuất với Chính phủ việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ranh giới địa lý xác định, vì vậy tỉnh mạnh dạn thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của Vân Đồn trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đồng thời xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền quản lý; thiết lập các thể chế tổ chức, hành chính, đầu tư, thương mại mang tính hội nhập cao, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới.

PGS, TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển Việt Nam) cho rằng: Cần khẩn trương xây dựng Luật về đặc khu kinh tế hoặc Luật đặc biệt cho từng đặc khu. Việc xây dựng Luật này không nhất thiết phải tự làm từ đầu, mà với tư cách của người đi sau, có thể và nên tham khảo, vận dụng Luật Đặc khu kinh tế của những quốc gia đi trước; đồng thời sớm hình thành bộ máy triển khai khởi sự công việc với đội ngũ các chuyên gia có năng lực và chuẩn bị nguồn nhân lực đạt trình độ đẳng cấp quốc tế.

Việc xây dựng thành công Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn có ý nghĩa rất quan trọng trong mở cửa hướng ra biển không chỉ của riêng Quảng Ninh mà mở rộng ra cả khu vực phía bắc, theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông - Bắc Á. Vân Đồn chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thật sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Mục tiêu xây dựng và phát triển Vân Đồn đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho tỉnh Quảng Ninh không được phá vỡ quy hoạch với các khu kinh tế liền kề. Bên cạnh đó, cần góp phần liên kết, thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Hải Hà, Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) và nhất là phải gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cho cả vùng biển đảo giàu tiềm năng này.

Theo tính toán, để xây dựng và phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cần nguồn vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2030. Trong đó, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn đầu (2014-2020), tỉnh cần 5,2 tỷ USD.

Theo QUANG THỌ/nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 80937 Tổng lượt truy cập 89259871