Để hội xuân thực sự... xuân

Cho đến thời điểm này, nhiều lễ hội xuân lớn trên địa bàn tỉnh đã diễn ra, thu hút đông đảo du khách trẩy hội, du xuân...

Rực rỡ sắc màu Lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2019.

Khởi động sớm nhất là TX Quảng Yên, từ đầu năm đến nay, các lễ hội Cầu Ngư tại phường Tân An, Tiên Công tại xã Hiệp Hòa, Liên Hòa, Cẩm La đều đã diễn ra. Nối tiếp đó là khai hội chùa Ba Vàng (Uông Bí),  xuân Ngọa Vân (Đông Triều), Yên Tử (TP Uông Bí)...

Các điểm di tích có lễ hội kể trên đa phần đều thu hút đông đảo du khách ngay từ những ngày đầu năm mới, nguyên do có lẽ bởi dịp nghỉ tết năm nay thời tiết khô ráo, ấm áp, người dân có tâm lý du xuân sớm trước khi bước vào tuần làm việc đầu tiên sau tết. Các lễ hội của Quảng Yên như Tiên Công tại xã Hiệp Hòa vào mùng 4 Tết đón 8.500 khách; tại xã Liên Hòa vào mùng 5 Tết đón 6.500 khách; lễ hội Cầu Ngư vào mùng 5, 6 Tết đón 12.500 khách. Đặc biệt, lễ hội Tiên Công tại xã Cẩm La, vốn là lễ hội của cả một vùng khu vực Hà Nam, lại kéo dài trong 4 ngày nên ước thu hút tới 40.000 lượt người dân, du khách.

Đội tế xã Cẩm La, TX Quảng Yên, đọc trúc văn tế khai hội Tiên Công 2019.

Không đông đúc như dịp nghỉ tết, ngày khai hội Ngọa Vân, Yên Tử năm nay đều rơi vào ngày làm việc, thực hiện quy định về việc cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính nên lượng khách hành hương ở mức vừa phải, du khách thư thái tham quan, lễ Phật không phải chen chúc như những năm trước đây. Tuy vậy, tính từ mùng 1 Tết đến hết ngày khai hội xuân Ngọa Vân năm nay (13/2, tức mùng 9 tháng Giêng), di tích này đã đón khoảng 30.000 du khách trong tổng số khoảng 80.000 lượt du khách về với các di sản nhà Trần tại Đông Triều. Còn Yên Tử từ mùng 1 Tết đến hết ngày khai hội đón 175.000 lượt khách, nâng tổng số du khách hành hương về đây kể từ đầu năm 2019 lên hơn 215.000 người, trong đó có hơn 31.000 khách nước ngoài.  

Du khách hành hương về hội xuân Ngọa Vân năm nay.

Ngọa Vân và Yên Tử đều là những lễ hội lớn, kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân. Bước vào mùa hội xuân năm nay, cùng với các di tích đã được tôn tạo như chùa Ngọa Vân, Tháp cổ tại Thông đàn 2 thì hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật đã đưa vào sử dụng, phục vụ du khách, như: Tuyến đường hành hương kết nối di tích, danh thắng Yên Tử với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; tuyến đường kết nối hệ thống lăng mộ các vua Trần; tuyến đường từ Hồ Thiên kết nối sang Ngọa Vân; hệ thống cáp treo Ngọa Vân giai đoạn 1... Yên Tử cũng vậy, năm nay, nhiều công trình mới tiếp tục được đưa vào sử dụng, như Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, Cung văn hóa Trúc Lâm giai đoạn 1 và hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ khác cũng như kết nối Yên Tử với các điểm du lịch mới của Uông Bí, như Công viên hoa Hồ Yên Trung, Thung lũng hoa Yên Tử...

Du khách hành hương lên Yên Tử.

Công tác tổ chức, quản lý lễ hội qua ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều điểm tốt. Như Yên Tử có nhiều lối hành hương cả chiều lên, xuống khác nhau, vì vậy để giúp du khách không bị lạc đường, những nhân viên và hệ thống biển chỉ dẫn được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm bố trí ở nhiều điểm trên dọc tuyến hành hương. Công tác phân luồng giao thông, đảm bảo ANTT, PCCN, quản lý hàng quán, phòng chống các tệ nạn xã hội... được làm khá tốt.

Vệ sinh môi trường luôn là vấn đề được quan tâm tại các lễ hội xuân. Qua thực tế ghi nhận của chúng tôi cho thấy, các tuyến hành hương ở cả Ngọa Vân, Yên Tử đều rất sạch sẽ, kể cả những điểm trên cao như tại khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng của Yên Tử... Điều đó cho thấy, ý thức của người dân khi đi lễ hội đã nâng lên đáng kể, cùng với đó là sự chú trọng công tác vệ sinh môi trường và những giải pháp hiệu quả của địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan trong tổ chức việc dọn dẹp, thu gom rác trong khu vực di tích...

 

Các hàng quán đều được quy hoạch tại Ngọa Vân (ảnh trái) và khâu vệ sinh môi trường được chú trọng, đảm bảo sạch sẽ ở hội xuân Yên Tử (ảnh phải) năm nay.

Ở các lễ hội tại Quảng Yên năm nay cũng có cải thiện đáng kể. Ông Ngô Đình Dũng, Phó trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, cho hay: Các vấn đề về tổ chức lễ hội được ngành tham mưu cho thị xã có văn bản chỉ đạo và lãnh đạo UBND thị xã trực tiếp làm việc với từng địa phương có lễ hội để chỉ đạo cụ thể. Trong đó, vấn đề vệ sinh môi trường lễ hội rất được các ban quản lý di tích chú trọng. Các hàng quán tại di tích và lễ hội đều được quy hoạch và phải đăng ký với Ban Tổ chức lễ hội. Các lễ hội trên địa bàn đã diễn ra về cơ bản không có bán hàng rong. Các hàng quán không đăng ký sẽ bị lực lượng công an xử lý và đưa ra khỏi di tích, lễ hội. Các nơi bán hàng và điểm giữ xe đều được niêm yết giá theo quy định. Các tệ nạn cờ bạc, xin quẻ, xóc quẻ hầu như không có, nếu có đều bị dẹp ngay. Quá trình tổ chức, cán bộ văn hóa của thị xã và ban tổ chức thường xuyên có mặt tại lễ hội, sát sao trong công tác giám sát và chỉ đạo...

Theo Phan Hằng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18112 Tổng lượt truy cập 91345896