Đẩy mạnh thu hút đầu tư: Tạo đà tăng trưởng kinh tế

9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án FDI, tổng vốn là 186,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,31 tỷ USD. Trong đó có 91 dự án tại các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (cả dự án đầu tư hạ tầng KCN); 62 dự án ngoài KCN, KKT với trên 5,95 tỷ USD vốn đầu tư... Những con số ấn tượng trên đã minh chứng rõ nét hiệu quả công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua.

Đoàn công tác tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên). 

“Cầu nối” thu hút đầu tư

Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Đồng thời, Quảng Ninh là tỉnh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt - Trung, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á.

Phát huy và khai thác hiệu quả những tiềm năng lợi thế để làm “lực đẩy” phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư lớn, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng, thúc đẩy, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức, phương thức thu hút phong phú, đa dạng. Nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện đồng bộ, tích cực. Trong đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn; đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tạo đột phá trong thu hút đầu tư...

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào khai thác đã góp phần kết nối di chuyển, giao thương thuận tiện cho các nhà đầu tư khi đến Quảng Ninh.

Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng giao thông, tạo hành lang di chuyển thuận lợi, tạo uy tín với doanh nghiệp khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn cũng được tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ. Đến nay, Quảng Ninh đã có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; có 176km đường cao tốc đi qua địa bàn, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Hiện Quảng Ninh có tổng diện tích KCN, KKT lớn nhất cả nước với 2 KKT ven biển, 3 KKT cửa khẩu, 16 KCN. Các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh được kết nối với nhau bằng hệ thống hạ tầng giao thông xuyên suốt, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. 

Đặc biệt, Quảng Ninh đã có thể đáp ứng được những điều kiện tiên quyết, cấp thiết của các nhà đầu tư về nguồn lao động và lao động chất lượng cao. Với sự đầu tư bài bản, hiện đại, Trường Đại học Hạ Long được xây dựng, từng bước trở thành trung tâm đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 50%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉnh cũng tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với kinh phí khoảng 1.133 tỷ đồng. Đề án đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...

Lãnh đạo IPA Quảng Ninh làm việc với Tập đoàn Autoliv (Thụy Điển - Hoa Kỳ) để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Quảng Ninh cũng là địa phương có nguồn năng lượng dồi dào, hiện đang là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Hằng năm, tỉnh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh điện và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước với 8 nhà máy điện đang hoạt động có tổng công suất khoảng 5.643,6MW. Tỉnh cũng đã và đang triển khai nghiên cứu và đầu tư phát triển các nguồn năng lượng “xanh” như: Điện khí LNG, điện gió và điện sinh khối... 

Song song với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện cũng được tỉnh thực hiện đồng bộ, nhanh chóng và đạt được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Minh chứng rõ nét cho thấy sự đổi mới, linh hoạt, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính của tỉnh là 5 năm liên tiếp (từ năm 2017-2021) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh giữ vị trí quán quân và 9 năm liên tiếp (từ năm 2013-2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) duy trì 4 năm liên tiếp (2017-2020) đứng đầu cả nước.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Autoliv (Thụy Điển - Hoa Kỳ) đánh giá sau chuyến làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư với IPA Quảng Ninh tháng 6/2022, Tập đoàn đang tìm hiểu cơ hội để đầu tư dự án sản xuất túi khí và thiết bị an toàn cho ô tô tại KKT ven biển Quảng Yên. Quảng Ninh thực sự là vùng đất rất tiềm năng; cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành khi tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Autoliv mong muốn tiếp tục nhận được đồng hành của tỉnh để hoàn thiện đề xuất dự án, nghiên cứu thực hiện các trình tự thủ tục đầu tư theo quy định nhằm thúc đẩy dự án đi vào triển khai trong năm 2022, cũng như tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư theo chiến lược và kế hoạch phát triển dự án của Tập đoàn tại Việt Nam nói chung.

Định hướng lâu dài

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, 9 tháng năm 2022, tỉnh đã đón tiếp 32 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Trong đó có 23 đoàn là các đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu biểu như: Đoàn Đại sứ quán Anh và Tập đoàn BP; đoàn Công ty Autoliv và đối tác Navigos, CBRE; đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh (VAFIE); đoàn các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC tại kỳ họp ABAC 3... Công tác tiếp đón, làm việc với các nhà đầu tư được tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả, cung cấp các thông tin theo yêu cầu của đối tác và tiếp tục duy trì liên lạc, chăm sóc hỗ trợ nhà đầu tư sau khi gặp gỡ, tiếp xúc.

Thư cảm ơn của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký gửi tới các nhà đầu tư.

Định hướng lĩnh vực thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh tập trung ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Điển hình như: Du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; kinh tế số... 

Địa bàn thu hút đầu tư cũng được định hướng phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực, với “Tâm” là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc. “Hai tuyến” gồm hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, với KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các KCN - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á; phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển; lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

"Hai mũi đột phá" là phát triển KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. "Ba vùng động lực" gồm: Phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều); phân vùng đô thị du lịch biển và núi rừng (Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô); phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà). Các trung tâm - động lực hiện hữu, đồng thời là trọng điểm thu hút các hoạt động kinh tế, đầu tư gồm có: KKT ven biển Quảng Yên, KKT ven biển Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái.

Tỉnh Quảng Ninh ký kết bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án FDI tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong khuôn khổ kỳ họp III, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA), cho biết: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh theo định hướng phát triển, IPA tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với tỉnh, đổi mới cách làm, phương thức xúc tiến đầu tư phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tập trung nắm bắt các nhà đầu tư FDI lớn trong các lĩnh vực được tỉnh quan tâm để tổ chức hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin kịp thời, trọng điểm; chủ động tham mưu cho tỉnh tiếp cận những nhà đầu tư chiến lược mới. Cùng với đó, duy trì hiệu quả tổ công tác Investor care, thực hiện chuẩn hóa tài liệu xúc tiến đầu tư theo chiều sâu và chi tiết với nhiều ngôn ngữ để gửi tới các nhà đầu tư qua môi trường mạng, gắn với chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, qua đó nhằm tạo sự quan tâm hơn nữa của các tổ chức quốc tế tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh.

Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13150 Tổng lượt truy cập 89157932