Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

Hiện nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, từng bước thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hỗ trợ người dân sử dụng các tiện ích của hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh.

Trên cơ sở xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tỉnh đã xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đồng thời, bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Tới nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã được triển khai đồng bộ đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Trong đó công tác tuyên truyền đã được thực hiện trên các loại hình báo chí và cổng thông tin điện tử, thông tin cơ sở, các nền tảng mạng xã hội. Đáng chú ý, Sở Thông tin - Truyền thông đã thực hiện tích hợp trang zalo Chuyển đổi số quốc gia vào trang zalo Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.

Công tác phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số và đảm bảo an toàn thông tin đang được các sở, ngành tiếp tục triển khai với 5 dự án quan trọng. Cụ thể, triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước; triển khai nền tảng số hóa; kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở; đảm bảo an toàn thông tin.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cũng đang được thực hiện đồng loạt. Hiện nay, đang đào tạo về an toàn thông tin cho người dùng cuối theo chương trình Cục An toàn thông tin tại 13 địa phương, 27 sở, ngành; 177 chủ tịch xã, phường, thị trấn tại 13 địa phương tham gia đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin - Truyền thông... Hiện toàn tỉnh đã có 1.421 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 1.409 tổ địa phương và 12 tổ trong doanh nghiệp bao phủ 100% thôn, bản với sự tham gia của 10.752 thành viên.

Ông Đặng Ngọc Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên, cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các nội dung chuyển đổi số; định danh điện tử; cài đặt ứng dụng VNEID thông qua các hoạt động của thôn, khu... Từ đó, nhận thức của người dân trong thôn đã tiến bộ hơn rất nhiều, các hộ đều sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, nắm bắt thông tin kịp thời khi thôn thông báo công việc qua nhóm zalo chung. Với nền tảng này, nếu được hướng dẫn cụ thể, thường xuyên, người dân sẽ nắm được kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Ngoài ra, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn luôn rất nhiệt tình, tích cực và có kỹ năng sử dụng công nghệ số, cũng như khả năng tuyên truyền, hướng dẫn. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các cuộc sinh hoạt chi bộ và phân công các thành viên của tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân theo hướng cầm tay chỉ việc.

UBND xã Lê Lợi (TP Hạ Long) trao quyết định thành lập 7 Tổ công nghệ số cộng đồng cho 7/7 thôn để hỗ trợ cộng đồng dân cư ứng dụng công nghệ trên địa bàn.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được thực hiện tích cực với việc cung cấp 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Hiện Quảng Ninh đã kết nối, tích hợp, cung cấp 1.223/1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 71,4%. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và có trên 229.000 hồ sơ/325.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến đạt tỷ lệ trên 70%. Đã có trên 20 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công tác phát triển kinh tế số, xã hội số cũng được đẩy mạnh thực hiện với việc đưa các sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc; hoàn thành việc xây dựng và phát sóng 25/54 trạm phủ lõm sóng; triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 43/114 thôn còn lõm cáp quang...

Chỉ đạo tại cuộc họp về chuyển đổi số toàn diện của tỉnh mới đây, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền thay đổi tư duy, hành động chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị đến người dân, doanh nghiệp. Bám sát chỉ đạo, rà soát tiến độ thực hiện đề án đồng bộ tại tất cả các lĩnh vực; xây dựng cách thức tổ chức thực hiện đề án tổng quan để nhìn nhận được những khó khăn, vướng mắc tồn tại, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Trong quý III phải thực hiện giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để, nhằm thực hiện hiệu quả nhất việc chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch.

Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21728 Tổng lượt truy cập 91399227