Đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư

Tỉnh Quảng Ninh đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, lãnh đạo các cấp luôn chủ động lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và đặc biệt là có tầm nhìn chiến lược, kiên định với mục tiêu “xanh”…

Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa KCCI (doanh nghiệp Hàn Quốc) và IPA Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Từ năm 2012, Quảng Ninh đã xác định nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, công tác này càng được quan tâm đẩy mạnh. Tỉnh đã xây dựng nền hành chính hiện đại, mạnh dạn thí điểm thành lập một số mô hình mới nhằm cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh, hoạt động tích cực và hiệu quả; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nhằm giảm bớt thời gian, đầu mối cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Lãnh đạo các cấp chủ động khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường ứng dụng chính quyền điện tử; thực hiện số hóa 100% dữ liệu, tiên phong thực hiện việc gửi, nhận văn bản liên thông giữa khối chính quyền và khối đảng, gửi và nhận văn bản điện tử kèm chữ ký số…

Cùng với đó, tỉnh chủ động trong công tác khảo sát, ghi nhận, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp một cách thực chất thông qua các buổi đối thoại trực tiếp và ghi nhận qua kênh trực tuyến. Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được triển khai thí điểm từ năm 2015 là một trong những điển hình đánh dấu sự vào cuộc đồng bộ từ các sở, ban, ngành, địa phương trong nỗ lực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời là một kênh tin cậy tiếp thu, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về chất lượng điều hành cấp cơ sở. Nhờ vậy mà trong 3 năm liền (2017-2019), Quảng Ninh liên tục giữ vững “ngôi vương” trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).  Trong đó, các chỉ số, như tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự ghi nhận sự cải thiện về điểm số trong năm qua.

Chia sẻ về cách làm của tỉnh Quảng Ninh, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong - một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu Trung Quốc, đánh giá rất cao những nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông đặc biệt nhấn mạnh, tư duy của những người đứng đầu tỉnh luôn luôn đổi mới, sáng tạo và nhất quán quan điểm trong chỉ đạo, điều hành. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để những nhà đầu tư FDI như Texhong đến và gắn bó lâu dài với tỉnh, đồng thời sẵn sàng làm cầu nối giữa tỉnh với những nhà đầu tư FDI khác. Cùng chung quan điểm, trong một cuộc trao đổi với Theleder.vn (diễn đàn của các nhà quản trị), bà Somhatai, Tổng giám đốc Amata Việt Nam, từng cho biết rất ấn tượng với chính quyền tỉnh Quảng Ninh khi luôn hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, nên dự án ở Quảng Ninh của Tập đoàn Amata được triển khai nhanh hơn nhiều so với các dự án trước đây. 

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà (KCN Cảng biển Hải Hà). Ảnh: Thái Cảnh

Không chỉ quan tâm đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nhằm tạo quỹ đất cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Quảng Ninh đã tập trung thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế... Việc giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án trọng điểm, như tuyến cao tốc kết nối các địa phương Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cải tạo nâng cấp QL18A đi qua Đông Triều - Uông Bí - Hạ Long… đã góp phần không nhỏ khơi thông dòng vốn đầu tư vào Quảng Ninh trong những năm gần đây, tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng bình quân vốn ngoài nhà nước của Quảng Ninh luôn đạt gần 20%/năm, chiếm hơn 57% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội (giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng bình quân là 5,3%/năm, chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội); tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm của Quảng Ninh chiếm khoảng 9% so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sau Hà Nội và Hải Phòng); hiệu quả đầu tư của tỉnh không ngừng được nâng cao... Với những kết quả được khẳng định trong thực tiễn, các giải pháp mà tỉnh đang triển khai hoàn toàn phù hợp với định hướng, bối cảnh.

Để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2025 trên 10.000 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm; giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI…; bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện, tỉnh nghiên cứu và tiếp tục đưa ra những giải pháp đột phá, khả thi hơn.

Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13999 Tổng lượt truy cập 91338127