Đảng viên, công chức vi phạm nồng độ cồn, báo về cơ quan, đơn vị

Có lẽ, những ngày qua, vấn đề thời sự, “nóng” về lực lượng CSGT tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực được mọi người trao đổi, tranh luận nhiều nhất. Câu chuyện này được bàn luận từ bữa cơm trong mỗi gia đình, ngoài hè phố cho đến các cơ quan, công sở, đơn vị, doanh nghiệp…, bởi đây là vấn đề liên quan đến nhiều người, tất cả mọi nhà.

Để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đạt hiệu quả cao nhất, tạo tính nghiêm minh, răn đe ngay từ khi có hiệu lực, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng CSGT trong cả nước đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn và đã xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm. Có những lái xe bị xử phạt với số tiền rất cao lên tới 30-35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng.

Từ khi triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tình hình tai nạn giao thông đã có dấu hiệu giảm ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương. Đây là tín hiệu tích cực nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần.

Tuy nhiên, theo các lực lượng chức năng thì tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có thái độ, hành động chống lại CSGT thi hành nhiệm vụ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương trong cả nước.

Để tăng cường xử lý vi phạm, thực hiện nghiêm minh Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa có công điện yêu cầu CSGT các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an cơ sở phối hợp với CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát, chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm, kết quả xử lý vi phạm. Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.

Đặc biệt, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu, nếu người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì phải thông tin về cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.

Có thể thấy, từ khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, các ngành chức năng liên quan trên cả nước đã vào cuộc quyết liệt và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Hy vọng rằng, với sự nghiêm minh của luật, sự tăng cao mức xử phạt của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, tai nạn giao thông sẽ được kéo giảm mạnh cả 3 tiêu chí trong thời gian tới, qua đó góp phần làm vơi bớt những nỗi đau và thiệt hại về kinh tế cho không ít gia đình.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/202001/dang-vien-cong-chuc-vi-pham-nong-do-con-bao-ve-co-quan-don-vi-2467124/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17195 Tổng lượt truy cập 91160850