Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân

Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc ban hành và triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin đã tạo khung pháp lý quan trọng, không chỉ đảm bảo cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, mà còn nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương và 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

 

Công khai thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Tiên Yên.

Luật có hiệu lực từ tháng 7/2018. Để chuẩn bị cho Luật sớm đi vào cuộc sống, từ tháng 4/2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương đã quán triệt, phổ biến Luật đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, như: Tuyên truyền, phổ biến thông qua hội nghị, lớp tập huấn; hỗ trợ pháp lý; phát tài liệu; tủ sách pháp luật; báo chí, internet...

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Phòng Tư pháp TP Cẩm Phả: Cẩm Phả là thành phố công nghiệp, đa số người dân là công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian làm việc theo ca. Nhóm đối tượng này ít được tiếp cận các thông tin pháp lý. Do vậy, song song với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua hệ thống thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đã xây dựng đề cương, cử báo cáo viên của thành phố phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật vào các buổi tối tại nhà văn hóa các khu dân cư, qua đó cung cấp các thông tin pháp lý người dân quan tâm. Cách làm này đã nhận được sự đánh giá cao của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phạm vi và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin, vị trí, vai trò và ý nghĩa của luật trong đời sống xã hội.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phường Hồng Gai (TP Hạ Long). Ảnh: Nguyễn Hoa

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật, các đơn vị, địa phương tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp. Việc phân công, bố trí đơn vị hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin đã được các đơn vị chú trọng thực hiện. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin theo chỉ đạo, hướng dẫn... Bước đầu triển khai đã cho thấy những hiệu quả, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Người dân xem quy trình thủ tục hành chính được công khai tại Nhà văn hóa khu phố 7, phường Quảng Yên (TX Quảng Yên).

Anh Nguyễn Văn Dũng (khu 3, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cho biết: “Thời gian qua, tôi đã đến Trung tâm Hành chính công thành phố đề nghị được cung cấp thông tin về quy hoạch liên quan đến thửa đất của gia đình. Sau thời gian 10 ngày hẹn làm việc, tôi đã nhận được đầy đủ thông tin cần thiết. Trước khi có Luật Tiếp cận thông tin, Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền được thông tin của công dân. Nhiều quy trình thủ tục hành chính được công khai rộng rãi. Tin rằng, những hiệu quả trong thi hành Luật Tiếp cận thông tin từng bước xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một chính quyền công khai, minh bạch, trách nhiệm hơn trong hoạt động quản lý, điều hành, góp phần đưa chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thực sự đi vào cuộc sống”.

Theo Trần Thanh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 112523 Tổng lượt truy cập 89317314