Đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Với việc triển khai, thực hiện nhiều giải pháp tích cực của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua, việc đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp ở Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hạ Long kiểm tra ATTP quầy hàng bán thực phẩm đã qua chế biến tại chợ Hạ Long I. Ảnh: Duy Khoa

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang quản lý 28.507 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó cấp tỉnh quản lý 1.009 cơ sở, cấp huyện quản lý 27.498 cơ sở. Để đôn đốc các ngành, địa phương trong đảm bảo ATTP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP cũng được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 30.888 lượt phát thanh, truyền thanh; hơn 1.800 lượt phóng sự, tin, bài trên báo, truyền hình; 13.591 băng rôn, phướn, áp phích; 129.698 tờ rơi, tờ gấp... về ATTP, trong đó có ATTP về nông, lâm, ngư nghiệp.

Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP cũng được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng. 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp cấp 68 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT, trong đó cấp tỉnh cấp 45 giấy, cấp huyện cấp 23 giấy.

Sở NN&PTNT và các địa phương đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP), phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất an toàn, nhân rộng, mở rộng các chuỗi góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn.

Các hộ trồng rau tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà đều ký cam kết sản xuất an toàn với chính quyền địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và có 1.064,98ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP, gồm: 331ha na, 32,77ha chè, 195,01ha lúa, 79,7ha rau, củ, 446,5ha khác; 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 162 tấn rươi - lúa hữu cơ; 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 419 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả; 5 cơ sở đóng gói quả tươi; 13 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm...

Bên cạnh đó, để người dân thuận tiện tra cứu nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT còn phát triển phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và thuê quản trị phần mềm hệ thống. Đến nay hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 58 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế nông sản, thủy sản; đồng thời, đã cấp 374 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, thủy sản đủ tiêu chuẩn về ATTP lên hệ thống; in và cấp phát 265.000 tem truy xuất cho trên 405 sản phẩm; các doanh nghiệp tham gia hệ thống đầu tư in trên 40.000 tem truy xuất...

Sản phẩm na Đông Triều có tem dán thương hiệu nông sản OCOP và mã QR, mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Dương Trường

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương còn chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản xuất thực phẩm an toàn. Sở NN&PTNT quản lý, kiểm soát sản phẩm trong chương trình OCOP tỉnh. Đến nay, có 356 sản phẩm của ngành NN&PTNT tham gia chương trình OCOP tỉnh, trong đó 150 sản phẩm đạt sao. Đồng thời, ngành còn kết nối cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản tham gia các chương trình Hội chợ trong tỉnh, như: Hội chợ OCOP kết hợp thương mại TX Quảng Yên, Hội chợ OCOP gắn với trưng bày Hoa Mai vàng Yên Tử Uông Bí, Hội chợ OCOP kết hợp thương mại TP Hạ Long, Liên hoan ẩm thực Tuần Châu.

Để hỗ trợ các cơ sở của tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản. 6 tháng đầu năm 2022, ngành đã hỗ trợ tiêu thụ trên 21.600 tấn thủy sản các loại, gồm nghêu Bến Tre tại huyện Hải Hà, hàu cửa sông tại TX Quảng Yên; cá song tại huyện Đầm Hà, Vân Đồn...; phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn về rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. 6 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã xuất khẩu 746.338 tấn sản phẩm, trị giá xuất khẩu đạt 105.619.827 USD.

Với những nỗ lực của các ngành về ATTP, trong đó có ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã bước đầu tạo được niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 73460 Tổng lượt truy cập 89134285