Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác than

Khai thác than là ngành công nghiệp đặc thù tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, trong những năm qua, việc cải thiện điều kiện làm việc cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được các đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quan tâm. Nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong quá trình khai thác, chế biến than, từ đó nâng cao hệ số an toàn trong sản xuất.

Công ty than Uông Bí là một đơn vị khai thác than hầm lò lớn của TKV. Những năm gần đây, việc sản xuất của công ty ngày càng gặp khó khăn do các diện khai thác ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, nhiều vỉa than dốc.

Công nghệ khai thác chống giữ bằng giàn mềm ZRY được áp dụng rộng rãi tại các đường lò Công ty than Uông Bí.

Khắc phục những khó khăn trên, năm 2015, Công ty đã đưa vào áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm loại ZRY tại vỉa 9B, khu Tràng Khê thay thế cho phương pháp truyền thống. Giàn chống mềm ZRY gồm tổ hợp nhiều giá chống, được liên kết mềm với nhau bằng xích hoặc khớp bản lề. Mỗi giá chống có cấu tạo gồm xà dẫn hướng, xà nóc, xà che chắn và xà đuôi. Ở bộ phận xà đuôi được bố trí hệ thống pít-tông thủy lực có tác dụng cho phép thay đổi chiều rộng chống giữ lò chợ trong một phạm vi nhất định và hỗ trợ công tác điều khiển giàn chống trong quá trình khai thác. Kết quả áp dụng đã cho các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tương đối tốt. Sản lượng lò chợ đạt từ 90.000 đến 130.000 tấn/năm; năng suất lao động đạt 5,5 đến 11 tấn/công; tỷ lệ tổn thất than từ 12,6 đến 16,3%. Ðặc biệt, dây chuyền thiết bị công nghệ có chi phí đầu tư nhỏ, quy trình công nghệ khai thác đơn giản, dễ nắm bắt, mức độ an toàn cao.

Từ những thành công bước đầu, Công ty than Uông Bí đã mạnh dạn nhân rộng công nghệ này ở các đường lò phù hợp có độ dốc lớn 45 độ. So với các công nghệ đã áp dụng cho khai thác vỉa dốc trước đây, gian mềm ZRY cho năng suất lao động tăng, nâng cao mức độ an toàn, giảm khối lượng vật tư phải vận chuyển để phục vụ thi công. Anh Phạm Anh Tuấn, Quản đốc Phân xưởng K20 cho biết: Trước kia khi sử dụng công nghệ chống lò bằng thủy lực đơn thì mỗi gương lò, phân xưởng phải bố trí 20 công nhân làm việc. Tuy nhiên từ khi giàn mềm ZRY được áp dụng thì mỗi gương lò chỉ phải bố trí 8 công nhân làm việc, trong khi đó năng suất lao động tăng cao gấp đôi và điều kiện vệ sinh an toàn lao động được đảm bảo hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn về việc đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong đào lò để tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc và giảm nhân lực trong dây chuyền đào lò. Công ty than Uông Bí cũng đẩy mạnh các phong trào sáng tạo, ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất. Đến nay, hầu hết các gương lò của công ty đều được cơ giới hóa bằng các thiết bị máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất, đảm bảo tính cơ động và đạt được hiệu quả, năng suất cao. Qua đó, giảm được lao động thủ công, cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu các rủi ro cho thợ lò. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí, chia sẻ: Chúng tôi đã đưa vào hệ thống đào lò bằng máy Combai cải hoán, máy xúc lật hông mini, máy xúc đá để xúc trong các lò than có tiết diện hẹp, phân tầng, từ đó đã góp phần tăng năng suất lao động đồng thời điều kiện làm việc, an toàn của người lao động được cải thiện rõ rệt.

Máy xúc lật hông mini áp dụng cho các đường lò hẹp giúp cải thiện điều kiện lao động cho thợ lò.

Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn tối đa cho công nhân, người lao động, những năm qua, ngành Than đã không ngừng chú trọng đầu tư, đẩy mạnh áp dụng những công nghệ, thiết bị mới vào các khâu sản xuất. Nhất là trong khai thác than hầm lò. Nhiều công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới đã được áp dụng tại các đơn vị thành viên của TKV như: Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm tại Công ty cổ phần than Hà Lầm; lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ tại Công ty than Hạ Long, Công ty than Mông Dương..; cơ giới hóa kết hợp giá khung, giá xích; giàn chống mềm ZRY, chống giữ lò chợ bằng giá khung thủy lực di động ZH thay thế công nghệ chống lò bằng thủy lực đơn. Các công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất, giảm lao động thủ công trực tiếp, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị thành viên quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn trong từng ca sản xuất, trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động.

Cán bộ, công nhân Công ty than Mạo Khê quyết tâm đảm bảo an toàn trong từng ca làm việc.

Nhất là vào thời điểm hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mục tiêu cao nhất là các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, duy trì ổn định sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của TKV, các đơn vị ngành than đã lên các phương án ứng phó từng cấp độ của dịch. Yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm quy định 5K và khuyến cáo công nhân không nên đi ra khỏi địa bàn tỉnh. Đối với công nhân ở tỉnh ngoài, các đơn vị đã bố trí nhà ở tập thể cho công nhân, nhằm tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh từ bên ngoài.

Từ những giải pháp được triển khai, các vụ việc mất an toàn trong sản xuất, đặc biệt là khai thác than hầm lò ngày càng giảm thiểu. Điều kiện lao động của người lao động đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Các thiết bị xe, máy đã dần thay thế sức lao động của thợ lò. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn than đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, toàn Tập đoàn sản xuất được 13,62 triệu tấn than nguyên khai, đạt 35% kế hoạch năm. Than tiêu thụ đạt 13,89 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 38.610 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 6.600 tỷ đồng.

 

Theo Lê Nam/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 37696 Tổng lượt truy cập 91132193