Cựu cán bộ ngành Công an tâm huyết với nghề nuôi ong lấy mật

Học và làm theo Bác là không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu trên chính quê hương của mình. Với tâm niệm đó, ông Trịnh Bá Phương, cán bộ ngành Công an về hưu đã học theo Bác từ những việc nhỏ mỗi ngày, năng động trong sản xuất, cống hiến hết mình vì tình yêu với cuộc sống, với quê hương và gia đình.

Quá trình chăm sóc ong đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính loài ong.

Ông Trịnh Bá Phương có niềm đam mê với nghề nuôi ong từ lâu, nhưng chỉ đến khi nghỉ chế độ, ông mới quyết định đầu tư mô hình nuôi ong mật tại chính nơi ông đang sinh sống - Phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí. Quanh khu vực gia đình ông ở có diện tích rừng khá lớn với nhiều loài hoa, là nguồn để ong làm mật. Mô hình kinh tế này cũng phù hợp với sức khỏe và điều kiện gia đình.

Theo ông Phương, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc khác. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của loài ong như: tập tính di chuyển, kiếm ăn, xây tổ, chia đàn... Người nuôi cũng cần phải am hiểu thời tiết, địa lý vùng nuôi thả. Muốn ong cho mật tốt phải đem ong đến những vùng có mùa hoa nở rộ. Nếu không nắm vững điều này thì khi đưa đàn ong đến những nơi hoa đã tàn, đàn ong sẽ không phát triển được.

Sản phẩm Mật ong rừng Yên Tử.

Ông Phương chia sẻ, khi mới bắt đầu nuôi ong ông cũng nhiều lần thất bại, do chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu tập tính của con ong. Nhưng không vì thế mà ông nản chí. Ông tích cực tìm tòi, học hỏi qua sách báo, ti vi, qua những lần đi tham quan học tập thực tế ở nhiều địa phương có nghề nuôi ong phát triển, từ đó ông rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Đến giờ, ông đã thực sự làm chủ được nghề nuôi ong. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi 100 đàn ong, trung bình mỗi năm thu được 500 lít mật, cho thu nhập 125 triệu đồng. Ngoài khai thác mật, ông còn làm ong giống, chế biến các sản phẩm như rượu ong đực, rượu ấu trùng ong và phấn hoa. Bên cạnh nuôi ong, gia đình ông còn trồng thêm 3ha cây keo lai để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm thu về 270 triệu đồng từ mô hình nuôi ong và trồng keo.

Quá trình nuôi ong, ông Phương nhận thấy Bắc Sơn là địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển nghề này. Một số gia đình tại địa phương đã bắt tay vào nuôi song sản lượng mật còn nhỏ, trong khi nhu cầu thị trường cao, lượng mật không đủ cung cấp. Được sự hỗ trợ, khích lệ của chính quyền địa phương, sự động viên của bạn bè cùng gia đình, ông đã đứng ra kêu gọi các hộ nuôi ong trên địa bàn thành lập HTX Mật ong rừng Yên Tử. Bước đầu gây dựng tuy gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm, khó đến mấy cũng phải làm, đến nay HTX đã từng bước xây dựng được thương hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tự quản kiêm giám đốc HTX, ông Phương cùng Ban quản trị luôn tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cung cấp vật tư, ong giống cho các thành viên. Hiện, HTX đã tạo việc làm cho 45 lao động có thu nhập ổn định...

Hồng Nhung

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23981 Tổng lượt truy cập 91405343