Công ty Than Nam Mẫu: Vững vàng làm chủ công nghệ hiện đại

Không chỉ rèn luyện sức khỏe tốt, đáp ứng tốt yêu cầu làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt dưới lòng đất, nhiều thợ đào lò của Công ty Than Nam Mẫu đã không ngừng phấn đấu làm chủ kỹ thuật để điều khiển máy móc, thiết bị cơ giới hóa và thành thạo nhiều khâu trong một dây chuyền sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đưa Nam Mẫu trở thành đơn vị dẫn đầu về xây dựng mỏ và khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Những người thợ lò đa năng của Phân xưởng Đào lò 1, Công ty Than Nam Mẫu. Ảnh: Hoàng Yến

Máy móc có hiện đại bao nhiêu mà con người không giỏi, không làm chủ công nghệ thì cũng sẽ không thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, do đó, cùng với việc đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, Công ty Than Nam Mẫu đặc biệt quan tâm công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật. Mục tiêu đặt ra là những người thợ đào lò, thợ chính, thợ phụ hay thợ cơ điện đều phải làm chủ công nghệ để khai thác tối đa hiệu suất của dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại. Vì vậy, hàng năm, công ty đều kết hợp với Trường Đại học Mỏ địa chất, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tổ chức đào tạo cho cán bộ kỹ thuật và làm việc với Trường Cao đẳng Nghề mỏ - TKV nhằm bổ sung công nhân kỹ thuật khai thác hầm lò cho lực lượng lao động kỹ thuật đã sắp hết tuổi lao động.

Có công nghệ đào lò hiện đại, có thợ đào lò tay nghề kỹ thuật cao, quý IV/2018, Công ty Than Nam Mẫu đã chính thức thành lập mô hình thợ đào lò đa năng. Với mô hình này, công ty trở thành đơn vị đầu tiên và hiện vẫn là duy nhất trong Tập đoàn có thể chủ động trong công tác đào lò xây dựng cơ bản mà không cần phải đi thuê các đơn vị ngoài. 

Anh Vũ Huy Quyền, Quản đốc Phân xưởng Đào lò 1, Công ty Than Nam Mẫu, cho biết: Chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ đào 215m lò trong đường lò vận tải thuộc dự án xuống sâu mức -120m, tiết diện lò khoảng 60m2. Nếu là trước đây, phân xưởng phải huy động 7 đến 8 thợ lành nghề, tổ chức thi công liên tục trong một tháng. Nay với mô hình đào lò đa năng, số lao động thực tế còn 4 người và thời gian thi công chỉ mất khoảng 2 tuần. Chính sự bố trí công việc đan xen đã giúp năng suất lao động tăng lên 1,5-2 lần so với trước.

Áp dụng cơ giới hóa trong đào lò tại Công ty Than Nam Mẫu. Ảnh: Hoàng Yến

Năng lực đào lò được nâng lên đã giúp công ty thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Đến hết tháng 9, số mét lò mới của đơn vị đã tăng 130% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương với trên 16.000m lò. Số gương lò cũng tăng từ 25 gương (năm 2018) lên 30 gương.

Sự bứt phá về năng lực của đội ngũ thợ đào lò không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất, mà còn tác động đến công tác quản trị chi phí và hạch toán lợi nhuận cho đơn vị. Đơn cử như năm 2018, công ty đã chi khoảng 50 tỷ đồng để trả lương cho lực lượng đào lò thuê ngoài, thì nay khoản tiền này đã được cân đối để chi cho chính người lao động trong công ty. Từ tháng 9/2019, công ty áp dụng hệ số khuyến khích 1,5 lần tiền lương cho những thợ lò có ngày công thực tế từ 22 công trở lên, mức lương một thợ lò có thể trên 37 triệu đồng/tháng. Còn với những thợ của mô hình đào lò đa năng, bình quân thu nhập từ đầu năm 2019 đến nay là 30 triệu đồng/tháng, cộng với hệ số khuyến khích, thu nhập của thợ lò trong thời gian tới có thể đạt từ 45-60 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, Công ty Than Nam Mẫu đang khai thác ở mức -50, trong tương lai gần sẽ khai thác xuống sâu tới mức -200m. Công ty Than Nam Mẫu tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu ngành Than trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Hoàng Nga - Hoàng Yến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 91461 Tổng lượt truy cập 89279991