Công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân 2016: Khẳng định vai trò điểm sáng cả nước

Mùa lễ hội xuân kéo dài trong 3 tháng đầu năm âm lịch cũng là thời điểm diễn ra hầu hết các lễ hội lớn của Quảng Ninh như: Yên Tử, Tiên Công, đền Cửa Ông, chùa Ngoạ Vân, Long Tiên, Cái Bầu... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, gần 2 tháng qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội của tỉnh vẫn duy trì được sự bài bản, nền nếp, tạo ấn tượng đẹp cho du khách.

Nhìn từ Yên Tử
Về non thiêng Yên Tử (TP Uông Bí) những ngày đầu tháng 4 này cũng là thời điểm cuối tháng 2 âm lịch, mưa bụi giăng mờ mịt đất trời nhưng du khách hành hương về đây vẫn khá đông, nhiều trong số đó là khách nước ngoài. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết: “Công ty hiện đã ký hợp đồng với 300 doanh nghiệp du lịch, lượng khách do các đơn vị này đưa đến tham quan Yên Tử trung bình đạt khoảng 16.000 khách/tháng, trong đó khách nước ngoài là hơn 10.000, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Thống kê của Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cũng cho hay, tính từ đầu mùa hội đến hết tháng 3 vừa qua (gần 2 tháng), Yên Tử đã thu hút trên 1,078 triệu lượt khách, tăng 3% so cùng kỳ.
Là một trong những lễ hội xuân lớn và kéo dài nhất của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Yên Tử cũng được đánh giá là điểm sáng trong cả nước những năm qua. Hội xuân năm nay, ngay từ đầu mùa hội, công tác quản lý dịch vụ tại Yên Tử đã rất được chú trọng. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết: “Ban và Công ty CP Phát  triển Tùng Lâm đã bố trí, sắp xếp, chỉnh trang hệ thống hàng quán dịch vụ đảm bảo mỹ quan. Thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ, phòng trọ, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh tại đây đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không chèo kéo, mời chào, ép khách, không bày bán thịt động vật tươi sống trước cửa hàng quán. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra môi trường kinh doanh, giám sát, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong, mua bán ép giá hoặc lấn chiếm đường, bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc”.
Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp rà soát, kiểm tra các điểm đặt hòm ghi nhận tiền công đức, đặt tiền giọt dầu tại nơi thờ tự để bố trí hợp lý. Hướng dẫn việc sắp xếp nơi thờ tự; bố trí lực lượng thu gom hương, tiền lễ và thực hiện không đốt hương trong chùa. Đơn vị cũng phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí tổ chức tập huấn công tác sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn, tổ chức các điểm trực sơ cấp cứu tại khu vực nhà ga 1 cáp treo, chùa Hoa Yên, quảng trường Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Qua đó đã sơ cứu kịp thời các trường hợp bị ngã, bị ngất, cảm mạo. Điểm du khách dễ nhận thấy nữa là khâu vệ sinh môi trường tại Yên Tử rất tốt, đảm bảo duy trì sạch sẽ trên tất cả các tuyến hành hương. Rác nơi đây được thu gom, xử lý ngay trong ngày. Các đơn vị cũng đã phối hợp làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ùn tắc giao thông trên toàn tuyến Yên Tử...

Du khách xếp hàng đi cáp treo tại Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí) trong mùa hội xuân 2016

Bài bản, nền nếp
Quảng Ninh có gần 60 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra thường niên, chủ yếu rơi vào 3 tháng mùa xuân, thu hút hàng triệu lượt nhân dân và du khách thập phương về dự, chiêm bái. Hội xuân Yên Tử nói riêng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội nói chung của tỉnh được đánh giá cao trong cả nước từ nhiều năm qua.
Năm nay, việc quản lý, tổ chức lễ hội cũng được thực hiện bài bản từ tỉnh đến các địa phương, cơ sở. Các địa phương, đơn vị đều thành lập ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức đảm bảo trình tự theo quy định; thành lập các tiểu ban phục vụ và phân công nhiệm vụ chi tiết cụ thể, nội dung chương trình đều được duyệt và thông qua cấp trên. Qua đánh giá cho thấy, ban tổ chức các lễ hội đã chú trọng chỉnh trang cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường, xử lý chất thải, bố trí khu đỗ xe, nhà vệ sinh hợp lý phục vụ du khách. Thực hiện niêm yết giá các dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, không treo, bày bán thịt chim, thú rừng, không tăng giá, ép giá du khách. Vận động du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt đồ mã…
Ông Nguyễn Trung Hà, Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL khẳng định: “Tại các lễ hội lớn đều có lực lượng công an thường trực, kiểm tra và giải quyết các vụ việc liên quan đến công tác ANTT, bố trí điểm đỗ xe, phân luồng giao thông nên hầu như không có tình trạng tắc nghẽn giao thông. Các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, ăn cắp, cờ bạc, đổi tiền lẻ không diễn ra tại di tích và lễ hội... Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy trong các di tích, lễ hội được các địa phương duy trì và đảm bảo. Khâu vệ sinh môi trường ở các di tích có nhiều chuyển biến, tạo mỹ quan cho du khách đến với lễ hội. Lực lượng y tế được bố trí thường trực trong lễ hội, việc kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng quán, dịch vụ ăn uống được làm thường xuyên nên không xảy ra những vụ ngộ độc thức ăn trong mùa lễ hội”.
Mặc dù vậy, qua thực tế diễn ra các lễ hội cũng cho thấy còn những tồn tại, hạn chế. Đó là hiện tượng tắc xe cục bộ rải rác xảy ra vào những ngày đầu năm mới tại một số di tích như: Chùa Cái Bầu (Vân Đồn), chùa Yên Mỹ (Hoành Bồ), miếu Tiên Công (Quảng Yên), Khu di tích Yên Tử (Uông Bí). Việc thu phí trông giữ xe vượt mức quy định cũng xảy ra ở một số di tích... Những hiện tượng này đã kịp thời được xử lý, chấn chỉnh tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi về với các di tích, lễ hội của Quảng Ninh.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 36433 Tổng lượt truy cập 89192369