Công điện về việc phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh

Ngày 21/1 UBND tỉnh Quảng Ninh có Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ngành: NN&PTNT, Y tế, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, TN&MT, TT&TT, VH&TT, Du lịch, GD&ĐT, KH&CN, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT).

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Điện Biên...; làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp. Tại Quảng Ninh, dịch lở mồm long móng lợn đã phát sinh tại TX Đông Triều từ ngày 24/12/2018; đến 17/1/2019, bệnh đã xuất hiện tại 5 xã của 3 địa phương: Đông Triều, Uông Bí và Bình Liêu trên tổng đàn 266 con, làm chết và tiêu hủy bắt buộc 144 con (5.434kg).

Dự báo thời gian tới thời tiết diễn biến còn nhiều bất lợi, nhiều ngày nhiệt độ thấp, độ ẩm cao kết hợp thời điểm giáp Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, mua bán lợn nhiều, khó kiểm soát, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng có thể xảy ra.

Để chủ động phòng chống bệnh lở mồm long móng phát sinh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các địa phương hiện đang có dịch: Đông Triều, Uông Bí, Bình Liêu

Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêm phòng bao vây cho toàn bộ đàn gia súc cảm nhiễm với bệnh lở mồm long móng của các xã đã, đang có dịch bằng vắc xin lở mồm long móng typ O; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; xử lý gia súc bệnh, gia súc chết; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định.

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản sổ 9843/UBND-NLN3 (ngày 28/12/2018) về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; triển khai phòng chống rét cho đàn vật nuôi.

Tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; bô trí kinh phí cho các hoạt động chống dịch trên địa bàn.

Thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, chính sách hỗ trợ đối với gia súc bị bệnh buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; vận động người chăn nuôi báo dịch, không giấu dịch, không tự điều trị gia súc bị bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo đúng quy định hiện hành.

2. Đối với các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên

Thành lập ngay các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm, xác định chính xác các chủng vi rút lở mồm long móng gây bệnh phục vụ công tác tiêm phòng có hiệu quả.

Rà soát, thống kê các đàn gia súc chưa tiêm phòng vắc xin; tổ chức tiêm phòng bổ sung tại các ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh tại cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch đảm bảo chính xác, kịp thời.

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 9843/UBND-NLN3 (ngày 28/12/2018) về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; triển khai phòng chống rét cho đàn vật nuôi.

Tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động và tích cực phối hợp phòng chống dịch; vận động người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho các đối tượng vật nuôi không trong diện được hỗ trợ của Nhà nước.

3. Sở NN&PTNT: Tập trung và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra và xử lý việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhập lậu, không có giấy kiểm dịch; tổng hợp báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hại trên cây trồng, vật nuôi tỉnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thành trước ngày 28/1/2019.

4. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc.

Theo quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 33834 Tổng lượt truy cập 91125805