Chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm

Theo thống kê, cả nước hiện có 16 ổ dịch cúm gia cầm (gồm 14 ổ dịch do virus H5N6 và 2 ổ dịch do virus H5N1) chưa qua 21 ngày tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.071 con.

Thường xuyên phun tiêu độc khử trùng chuồng trại là một trong các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả.

Tại TP Uông Bí tuy chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm song do đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thuận lợi cho các loại virus phát triển, nên để chủ động phòng chống dịch, ngành chức năng của thành phố đã tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, đảm bảo điều kiện cho đàn gia cầm phát triển khỏe mạnh.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin cảnh báo, hướng dẫn chi tiết người chăn nuôi các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm, chăn nuôi an toàn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố đã cung ứng 577 lít thuốc khử trùng tiêu độc cho 10/10 xã phường để phun khử trùng tại tất cả các chuồng nuôi, nơi chăn thả, nơi buôn bán gia cầm; đường làng ngõ xóm các khu dân cư; 11 chợ trên địa bàn, các khu vực giết mổ và bán thịt gia súc, gia cầm. Trong đó tại các chợ, khu giết mổ tập trung tiến hành phun sau mỗi buổi họp chợ. Địa bàn khu dân cư, đường làng ngõ xóm, các chuồng nuôi thực hiện phun khử trùng 2 lần/tuần.

Hiện các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đang trong giai đoạn tái đàn gia cầm sau vụ Tết. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh từ đầu, ngành chức năng thành phố phối hợp với các xã phường tập trung điều tra thống kê toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn phục vụ tổ chức tiêm phòng triệt để và hiệu quả. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi cách chọn giống gia cầm khỏe mạnh, mua giống tại các cơ sở uy tín, rõ nguồn gốc; thực hiện tốt việc cách ly giống mới; chuẩn bị thức ăn, nước uống tiêu chuẩn, đảm bảo chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi vệ sinh…

Các chợ tiến hành phun khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ. 

Cũng để chủ động phòng dịch, các đơn vị chức năng thành phố phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; kiểm tra các chợ đầu mối trong công tác kiểm dịch, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm; kiểm soát các cơ sở kinh doanh thuốc thú y đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vật tư phòng dịch. Ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bán gia cầm không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch tại các chợ trên địa bàn...

Triệu chứng của Bệnh cúm gia cầm: Bệnh cúm gia cầm xảy ra ở mọi lứa tuổi của gia cầm, xuất hiện đột ngột trong đàn với các triệu chứng điển hình sau :

- Đàn gia cầm yếu, nằm và đứng ủ rũ, đàu gục xuống đất, túm tụm vào nhau, lông xù. Phù thũng mặt, cổ, xoang mũi sưng, mào tím tái, phù nề và có thể xuất huyết ở vùng da không có lông như cổ chân.

- Gia cầm có triệu chứng thần kinh như: vẹo cổ, run rẩy, đi đứng không vững, khớp chân sưng.

- Về hô hấp: hắt hơi, thở khó, khò khè, chảy nước mũi.

- Về tiêu hóa: Chảy nước dãi, ỉa chảy, thường xuyên tiêu chảy phân xanh.

- Lây lan nhanh, tỷ lệ ốm, chết thường cao, có thể lên tới 100%.

- Bệnh Cúm gia cầm ở thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh hô hấp hoặc tiêu hóa.

Bệnh tích: Khi quan sát thấy:

+ Xuất huyết dưới da thành mảng đỏ tươi, rõ nhất là ở nơi da không phủ lông và ở cẳng chân.

+ Đường hô hấp: Khí quản xuất huyết, đọng nhiều dịch rỉ viêm mầu trắng có lẫn máu, phổi xuất huyết. Túi khí dầy và đục, có các ổ bã đậu mầu trắng đục.

+ Đường tiêu hóa: Xuất huyết ở hầu hết các cơ quan tiêu hóa, thấy rõ ở manh tràng và dạ dày tuyến, xoang bụng tích nước hoặc viêm dính.

+ Riêng ở vịt còn thấy mắt có hiện tượng kéo màng đục gọi là hiện tượng “Kéo mây”.

Các biện pháp phòng tránh bệnh Cúm gia cầm:

- Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, khi mới mua về cần nuôi cách ly 10 ngày mới cho nhập đàn khỏe mạnh đang nuôi.

- Thức ăn, nước uống sạch sẽ, đảm bảo chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi luôn sạch và khô ráo. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.

- Phải có các dụng cụ bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, ủng) khi tiếp xúc với gia cầm trong quá trình chăn nuôi.

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên.

- Tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Khi gia cầm có các triệu chứng trên người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Thực hiện “5 không” theo qui định (không giấu dịch; không mua bán vận chuyển gia cầm ốm, chết; không giết mổ tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, chết; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, hạn chế dịch lây lan).

 

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26205 Tổng lượt truy cập 91176372