"Chìa khóa" tăng trưởng bền vững của ngành Than

Đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo toàn diện đến đời sống của công nhân, là “chìa khóa” giúp ngành Than tăng trưởng nhanh và bền vững. Năm 2019, ngành Than có đà tăng trưởng ấn tượng nhất trong 5 năm trở lại đây về cả quy mô sản xuất lẫn chỉ số tài chính.

Nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca, Công ty CP Than Vàng Danh. Ảnh: Phạm Cường (CTV)

Nâng cao thu nhập cho công nhân

Sau giờ tan ca, nhiều thợ lò của Công ty CP Than Vàng Danh có thói quen vào Nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca (đầu tư trên 1 tỷ đồng, đưa vào sử dụng tháng 2/2019) được bố trí gần công trường. Đây là công trình công ty đầu tư phục vụ riêng cho thợ lò, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động. Tất cả đồ uống, đồ ăn nhẹ, hoa quả tại đây đều được phục vụ miễn phí.

Ngồi uống ly cà phê tại Nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca, thợ lò bậc 5/6 Đặng Văn Thế, Phân xưởng Khai thác 12, người đã có 10 năm gắn bó với công ty, chia sẻ: Những năm 2010 trở về trước, công nhân phải đội từng thúng than ra xe goòng, nhưng giờ đã có hệ máng cào và băng tải than tự động thay thế, nên năng suất lao động đạt cao hơn. Hay trước đây, cùng vị trí làm việc mỗi tổ phải huy động 30-40 công nhân hợp tác mới đảm bảo chỉ tiêu phân xưởng giao. Nay nhờ có thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ, số lao động mỗi tổ đã giảm một nửa, nhưng năng suất công cao hơn. Cách chấm công và tiền lương hằng ngày được niêm yết công khai ở nhà giao ca, mọi người tiện theo dõi, thi đua phấn đấu. Nhiều công nhân Phân xưởng có thu nhập khá cao, đảm bảo cuộc sống cho gia đình và có tích lũy. Bản thân anh Thế thu nhập 17-20 triệu đồng/tháng.

Công nhân Phân xưởng Khai thác 5 (Công ty Than Nam Mẫu) vận hành giàn chống mềm ZRY.

Trong chiến lược phát triển của ngành Than giai đoạn 2016-2020, TKV đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4%/năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng 3%/năm. Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian gần đây, không chỉ riêng ở Công ty CP Than Vàng Danh mà nhiều đơn vị ngành Than đều quan tâm đảm bảo thu nhập cho công nhân, phấn đấu thu nhập bình quân mức năm sau cao hơn năm trước.

Để tăng năng suất lao động, TKV quyết liệt triển khai tái cơ cấu lực lượng lao động theo Đề án tái cơ cấu Chính phủ đã phê duyệt. Kết quả từ năm 2013 đến nay, TKV đã giảm được gần 26.000 lao động, tương đương 20% tổng số lao động trước khi tái cơ cấu. Đến thời điểm tháng 7/2019, số lượng lao động của toàn Tập đoàn chỉ còn 97.415 người.

Giảm mạnh số lao động phụ trợ, gián tiếp là điều kiện để TKV tăng thu nhập cho lực lượng lao động chính, qua đó đảm bảo đời sống cho lao động ngành Than. Hiện năng suất lao động của Tập đoàn tăng từ 5-7%/năm. Năm 2018, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn lần đầu tiên cán mốc 10,8 triệu đồng/người/tháng (tăng 12,1% so với thực hiện 2017). Cũng trong năm 2018, TKV đã có 3 đợt tăng lương cho người lao động, riêng thợ lò đạt 16,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 14,8% so với năm 2017). 7 tháng năm 2019, sản xuất kinh doanh của TKV tiếp tục khởi sắc, lợi nhuận 80.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh thu than đạt hơn 45.500 tỷ đồng, bằng 116% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng.

Những con số ấn tượng mà TKV chinh phục được đang giúp người lao động ổn định việc làm, cuộc sống, ngày càng yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cơ giới hóa để tiến sâu vào lòng đất

Song song với việc chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCN-LĐ, các đơn vị ngành Than đang tập trung đầu tư cơ giới hóa để tiến sâu vào lòng đất, xây dựng những mỏ than hiện đại hơn.

Công ty CP Than Hà Lầm là đơn vị tiên phong của TKV trong triển khai cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất than. Từ năm 2015, Công ty đã vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm. Đến năm 2016, Than Hà Lầm tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm vào khai thác. Đây là 2 lò chợ cơ giới hóa có công suất lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của TKV.

Năm 2018, than sản xuất bằng cơ giới hóa của Công ty CP Than Hà Lầm chiếm trên 69% tổng sản lượng. (Ảnh Công ty cung cấp).

Sau một thời gian vận hành sản xuất, đến nay cả 2 lò chợ cơ giới hóa của Than Hà Lầm đã mang lại hiệu quả cao. Năng suất lao động tăng 3,39 lần so với lò chợ công nghệ giá xích, tăng 4,41 lần so với lò chợ giá XDY; đồng thời nâng cao mức độ an toàn, giảm số lao động. Nhờ đó thu nhập của thợ lò thực hiện cơ giới hóa trong đào lò và khai thác cũng tăng cao; thu nhập đạt 20-22 triệu đồng/người/tháng. 

Không riêng Công ty CP Than Hà Lầm, tùy vào điều kiện địa chất của từng mỏ, một số đơn vị như: Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Dương Huy… cũng đang tăng cường đầu tư cơ giới hóa cho những lò chợ khấu than bằng máy công suất 450.000- 600.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, các đơn vị ngành Than còn áp dụng chống lò bằng cột thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành hiện đại… dần thay thế lao động thủ công và nâng cao chỉ số an toàn cho người lao động.

Để đáp ứng nhu cầu than cho thị trường, Công ty Tuyển than Cửa Ông tập trung pha trộn, chế biến sâu các chủng loại than.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp than phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, TKV còn đầu tư xây dựng mỏ mới và các dự án mở rộng sản xuất. Hằng năm, Tập đoàn đầu tư từ 15.000-20.000 tỷ đồng cho việc mở rộng sản xuất. Tiêu biểu một số công trình tự động hóa đã được đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả cao, giúp nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân công lao động trực tiếp, như: Hệ thống băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); tự động hóa tuyến băng tải lò XV mức -300 Hà Lầm (giảm 40% nhân lực); hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty Than Núi Béo (giảm 50% nhân lực)… Những dự án, công trình trên đã giúp TKV nâng cao sản lượng khai thác than cho các mỏ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho biết: Để phát triển bền vững, giải pháp trọng tâm của TKV trong năm 2019 và những năm tiếp theo là quan tâm đến điều kiện việc làm, nhà ở, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, trong điều kiện diện sản xuất các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa là giải pháp đột phá, giúp TKV nâng cao trình độ nhân lực, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Theo Phạm Tăng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1792 Tổng lượt truy cập 89140448