Cảnh giác với đồ chơi và các hạt ăn nhỏ có thể gây dị vật đường thở

19 giờ ngày 17-9-2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 4 tuổi, ở Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng được gia đình đưa đến viện trong tình trạng khó thở, nghi bị hóc dị vật. Các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng và gây mê hồi sức đã tiến hành nội soi gắp từ phế quản của trẻ một chiếc còi nhựa đường kính 4 mm, dài 15 mm. Hiện nay trẻ đã thoát khỏi nguy hiểm, ăn uống, vui chơi bình thường.

Theo người nhà kể: cách đó nửa giờ trẻ đang nghịch lấy còi trong chiếc kèn nhựa ngậm thổi thì ho sặc sụa, thở rít, trợn mắt, tím tái, kèm theo có tiếng kêu “toe toe” trong ngực. Trẻ cố gắng khạc ra nhưng không được. Vài phút sau thì hết ho và thở rít nhưng còn khó thở. Gia đình nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Đây là một trường hợp dị vật đường thở khó xử lý, tuy nhiên biết được nguyên nhân bệnh lý và được đưa đến sớm, soi gắp kịp thời nên hiện nay sức khỏe của trẻ đã trở lại bình thường.
Từ năm 2016 đến nay bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 33 trường hợp cấp cứu dị vật đường ăn và đường thở. 1/3 trong số đó là trẻ em do tò mò, hiếu động, nghịch ngợm hoặc bất cẩn khi ăn uống. Các chi tiết nhỏ trong đồ chơi, bút bi, các hạt nhỏ (dưa, bí, hướng dương...) là những tác nhân tiềm ẩn nguy cơ trở thành dị vật đường thở ở trẻ nhỏ. Gia đình có trẻ nhỏ cần tránh cho trẻ tiếp cận những vật thể sắc, nhọn, các đồ chơi có chi tiết nhỏ để hạn chế các trường hợp hóc dị vật vào đường thở và đường tiêu hóa ở trẻ. Khi nghi ngờ có dị vật đường thở hoặc đường ăn cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số thông tin và khuyến cáo từ bác sĩ: 

Dị vật đường thở là một cấp cứu nguy hiểm: đó là hiện tượng có vật lạ lọt vào trong đường thở. Ngay khi vật lạ (dị vật) lọt vào đường thở lập tức cơ thể có phản ứng tự vệ: ho sặc sụa, dữ dội để tống dị vật ra khỏi đường thở - biểu hiện đó gọi là hội chứng xâm nhập.
- Nếu dị vật rất to, bít tắc đường thở sẽ gây tử vong nhanh chóng. 
- Nếu dị vật nhỏ, lỏng, ít (mảnh vụn thức ăn, nước bọt, nước uống) chúng sẽ bắn ra ngoài. 
- Nếu dị vật to hơn đường kính thanh quản khi ho không bắn ra được nó sẽ nằm lại trong khí phế quản gây khó thở và gây viêm. Thỉnh thoảng khi nói, cười, thở mạnh dị vật lại di chuyển cọ vào niêm mạc kích thích gây ho, thở rít từng cơn. Dị vật cũng có thể mắc kẹt vào một nhánh phế quản gây bít tắc, viêm một vùng phổi. Tình trạng viêm này tái đi tái lại nhiều lần nếu không phát hiện và soi gắp được dị vật ra khỏi đường thở của bệnh nhân, có thể dẫn đến áp xe phổi, tràn mủ màng phổi. 

Không được để trẻ tự cắn những loại hạt, viên thuốc nhỏ, không cho trẻ chơi, ngậm những vật nhỏ có thể lọt được vào đường thở. Nếu thấy trẻ đang ăn hoặc ngậm những vật nhỏ có nguy cơ gây hóc, sặc thì không được la lối, quát tháo bắt trẻ nhè ra, càng không được thô bạo bóp má, cho tay móc miệng làm trẻ hoảng sợ kêu khóc vì khi khóc trẻ sẽ hít vào rất mạnh và sâu, thanh quản mở rộng tối đa, luồng khí hít vào rất mạnh sẽ cuốn những vật này vào đường thở. Hãy bình tĩnh, dịu dàng nịnh trẻ, hướng dẫn bé nhè những vật nguy hại ra khỏi miệng.

Nếu nghi ngờ dị vật đường thở, không được chữa mẹo mà cần đến ngay bệnh viện. Chú ý: nhịn ăn uống tuyệt đối để có thể gây mê nội soi lấy dị vật ra sớm. 

Một số hình ảnh:

Bác sĩ thăm khám kiểm tra sức khỏe của trẻ.

Dị vật và đồ chơi có chứa dị vật.

Bệnh nhi tự chơi tại phòng bệnh.

 

Nguồn: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển cung cấp

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6794 Tổng lượt truy cập 91144110