Cần ý thức đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 và các bệnh đường hô hấp

Dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, song Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp. Đặc biệt thực hiện thông điện 2K + Vaccine + Thuốc + Công nghệ + Ý thức người dân.

Theo Bộ Y tế, hiện nhiều địa phương đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm các biến thể mới của chủng Omicron như: BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong khi đó, nhiều nơi tiến độ tiêm vaccine COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm cho trẻ em còn thấp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch có thể diễn biến phức tạp.

Cùng thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn), Bộ Y tế đã có hướng dẫn về các trường hợp bắt buộc phải sử dụng khẩu trang nơi cộng cộng. Việc không đeo khẩu trang đúng quy định có thể bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Cụ thể, trên các phương tiện giao thông công cộng, tất cả hành khách và nhân viên đều bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tại các địa điểm công công khác như trung tâm thương mại, nhà ga, phòng tập gym, cơ sở karaoke… các nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Cần ý thức đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 và các bệnh đường hô hấp.

Các chuyên gia khẳng định, chiến lược phòng dịch bao gồm yếu tố quan trọng là “Ý thức người dân”. Theo đó, hành động đơn giản là đeo khẩu trang sẽ không chỉ phòng COVID-19 mà còn phòng được nhiều bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác, nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, cùng với việc nới lỏng tất cả các ngành nghề, không cấm đoán, để xã hội và kinh tế phát triển bình thường vẫn cần các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 thời gian tới, PGS Trần Đắc Phu cho rằng, mặc dù số ca mắc mới COVID-19 vẫn tăng, nhưng hiện nay Việt Nam đã có năng lực điều trị tốt hơn; có tiêm vaccine nhưng hiện vaccine đã giảm hiệu lực bảo vệ.

“Bên cạnh COVID-19, nhiều dịch bệnh như cúm A, sốt xuất huyết vẫn liên tục bùng phát, gây sức nặng rất lớn lên hệ thống y tế. Vì vậy, các dịch vụ y tế cơ bản, thiết yếu như phòng chống bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh không lây nhiễm không thể để lơ là... Các chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A... vẫn phải tiếp tục triển khai, nếu bị bỏ rơi, không quan tâm đến thì các dịch bệnh khác sẽ bùng phát”, ông Phu nói.

Trao đổi về ý thức của người dân trong phòng dịch hiện nay, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Việc mỗi người dân tuân thủ thực hiện thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế không chỉ bảo vệ sức khoẻ của bản thân mà còn bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau sống an toàn trong đại dịch”.

Giới chuyên gia đánh giá, dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới, đồng thời mùa Đông - Xuân sắp đến, các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, do vậy, thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết.

Cùng với nâng cao ý thức người dân, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại (mũi 3, mũi 4; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 để bảo vệ trẻ khi đến trường./.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12230 Tổng lượt truy cập 91088620