Cẩn trọng trước sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện đang có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh, thành trong cả nước. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Do đó, không nên chủ quan với SXH vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.

Chị Bùi Thị Minh, quê ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá cùng chồng ra Hà Nội làm xây dựng đã hơn 2 năm. Cuối tháng 6-2017, chồng chị mắc bệnh SXH, phải nhập viện. Trong thời gian chăm sóc chồng, chị Minh cũng mắc bệnh. Khi cả hai khỏi bệnh, vợ chồng chị Minh nhận công trình xây dựng ở TP Hạ Long và chuyển về ở trọ tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Cậu con trai chị Minh là Bùi Văn Hiếu vừa tốt nghiệp THPT, ra Hà Nội thăm bố mẹ rồi cùng về TP Hạ Long, dự định phụ giúp công trình với bố mẹ. Vậy nhưng vừa đặt chân đến Hạ Long thì Hiếu sốt cao, mọc mụn đỏ. Biết con cũng đã mắc SXH, chị Minh liền đưa con đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Vậy là cả tháng nay, nhà tôi có 3 người nhập viện vì SXH. Bệnh không nặng nhưng ai cũng phải nằm viện đến gần 10 ngày, vừa mất việc, vừa tốn kém...” - chị Minh than thở.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận 9 ca bệnh SXH, các ca bệnh có dấu hiệu điển hình của SXH: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài trên 5 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; nổi mẩn, phát ban. Các ca bệnh đều được xử trí kịp thời và ra viện sau từ 7 đến 10 ngày điều trị. “So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH ít hơn. Nếu như trước đây, SXH xuất hiện theo mùa thì những năm gần đây, số ca mắc rải rác quanh năm. Đặc biệt, vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 sẽ là mùa của SXH. Đây là bệnh do vi rút, biểu hiện là sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi, xuất hiện những nốt đỏ dưới da. Nếu phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ hết sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, không điều trị, có thể trở nặng, gây biến chứng, như: Xuất huyết đường tiêu hoá; thoát dịch gây sốc; truỵ mạch, huyết áp; thoát dịch vào màng tim, phổi; gây tổn thương gan; suy đa tạng... có thể dẫn đến tử vong” - bác sĩ Hà Mạnh Hùng cảnh báo.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc bệnh tăng hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400%, chỉ từ ngày 10 đến 16-7 đã có hơn 1.100 ca mắc SXH mới, nâng tổng số ca mắc SXH toàn thành phố lên trên 5.300 ca. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa nằm trong 10 tỉnh, thành phố có số ca mắc SXH cao nhất cả nước hiện nay. Tại Quảng Ninh, tính đến hết tháng 6-2017 ghi nhận 28 ca mắc SXH, trong đó 22 ca xét nghiệm dương tính. Địa phương mắc SXH cao nhất là Quảng Yên (8 ca). Số ca mắc tăng trong tháng 5 và tháng 6. Nhiều ca mắc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, điều trị tại cộng đồng. So sánh số ca mắc trong 3 năm từ 2015-2017, số ca mắc 6 tháng đầu năm 2017 có tỷ lệ dương tính (22/28 mẫu, chiếm 79%) cao hơn so với năm 2016 (92/134 mẫu, chiếm 69%) và năm 2015 (65/148 mẫu, chiếm 44%).

Hiện đang là thời điểm sinh viên từ Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận trở về Quảng Ninh nghỉ hè; cũng là thời điểm nhiều du khách đến Quảng Ninh du lịch. Do đó, rất dễ dẫn tới việc lưu truyền, phát sinh bệnh dịch SXH về địa phương. Để phòng bệnh SXH, điều quan trọng là phải kiểm soát, tiêu diệt được muỗi truyền bệnh SXH, như tránh để muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; thường xuyên vệ sinh môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi... Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5026 Tổng lượt truy cập 91371450