Cẩn trọng khi đắp lá thuốc chữa gãy xương

Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm tấy vùng cẳng chân do đắp lá thuốc chữa gãy xương.

Hình ảnh phần cẳng chân của người bệnh sau khi đắp thuốc.

Bệnh nhân là ông B.V.T. 50 tuổi, trú tại Phương Nam - TP. Uông Bí. Trước đó, ông T. nhập viện do gãy xương mác, được các bác sĩ điều trị bảo tồn, sử dụng nẹp cố định ngoài và điều trị ngoại trú tại nhà. Nhưng do sợ chân lâu khỏi, lại được một số người mách, ông đã tự lấy vài vị thuốc lá được cho là có thành phần giúp xương gãy mau khỏi và đắp lên vùng bị thương. Hậu quả là sau khi đắp thuốc lá vài ngày, phần da vùng bị thương ửng đỏ, nóng rát như bị bỏng, có hiện tượng chảy dịch vàng. Ông T. có sử dụng thuốc kháng sinh nhưng không đỡ mới vội vàng nhập viện. Người bệnh nhập viện với chẩn đoán viêm tấy lan tỏa vùng cẳng chân trên nền gãy xương mác.

Theo BSCKII. Hoàng Văn Dũng - Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình & Bỏng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết: Thông thường, đối với người bệnh bị gãy xương mác sẽ không phải điều trị can thiệp gì, chỉ cần nẹp cố định cùng với tập vận động là sẽ phục hồi. Tuy nhiên người bệnh T. lại đắp thuốc tại nhà khiến bệnh không đỡ mà còn làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Hiện người bệnh phải điều trị vết thương ngoài da bong tróc, chảy mủ, da tổn thương do dị ứng, nhiễm trùng.

Cũng theo bác sĩ, không hiếm trường hợp người bệnh bị chấn thương nhẹ nhưng do lơ là không đi khám mà thường đắp lá, đắp thuốc dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí là tàn phế. Vì vậy người dân cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc nam trong mọi trường hợp. Đặc biệt là những bài thuốc dân gian, truyền miệng không được kiểm chứng bởi dễ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nguồn: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 111439 Tổng lượt truy cập 89315404