Cần thận trọng khi sử dụng nước muối sinh lý

Không phải lúc nào cũng nên dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt, mũi, họng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Đây là sai lầm mà nhiều bà mẹ Việt Nam đang mắc phải với tâm lý phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đó là khuyến cáo của TS, BS Nguyễn Tuyết Xương - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương hướng dẫn cách rửa mũi, họng cho con đúng tư thế.

Đừng phòng bệnh kiểu “chủ quan”!

Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nước muối sinh lý có tác dụng sát khuẩn, vệ sinh mắt, mũi, họng, song sản phẩm này không có tác dụng phòng bệnh, vì vậy khi sử dụng sản phẩm phải đảm bảo yếu tố hợp lý, tránh lạm dụng.

Do đó, các bậc phụ huynh chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa mũi (loại dành cho mũi) cho trẻ trong trường hợp trẻ bị bệnh như ho, sổ mũi... Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Nhi) Nguyễn Tuyết Xương cho biết, khi trẻ bị viêm tăng tiết, đường mũi họng dễ nhiễm khuẩn hơn. Khi đó, nên dùng nước muối để rửa cho bé bớt đờm dãi họng. “Khi đứa trẻ bình thường, không bị tăng tiết, không đờm dãi thì không nên rửa mũi, họng cho con” - bác sĩ Xương cho biết.

Trước quan điểm của nhiều bà mẹ hiện nay là dùng nước muối rửa hàng ngày như một cách phòng bệnh cho con, bác sĩ Xương cảnh báo đó là hiểu biết sai và cần phải thay đổi ngay. Một là tạo tâm lý cho đứa trẻ lúc nào cũng bị bệnh khiến trẻ sợ hãi, quấy khóc. Hai nữa, nếu kỹ thuật của mẹ không tốt, trong khi rửa mũi, họng làm bé giẫy giụa khiến đầu bình xịt cọ vào thành mũi, sẽ làm mỏng thành mạch mũi, có thể làm bé bị chảy máu mũi.

Đặc biệt, nếu rửa mũi cho con ở tư thế không đúng, sẽ gây ra viêm tai cho trẻ, nhất là với trẻ em nhỏ và trẻ sơ sinh. Những em nhỏ này vòi từ họng đến tai ngắn và mở nằm ngang nên rửa không đúng sẽ làm nước muối trào ngược lên tai, gây ra viêm tai. Trừ trường hợp bé bị viêm tai có mủ, không thể dùng bông tăm ngoáy được thì bơm nước nhẹ vào rồi thấm khô tai.

Hiện nay, nhiều bà mẹ cũng dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt có tác dụng làm sạch mắt cho con, nhất là trẻ sơ sinh. Song bác sĩ Hoàng Cương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương) cho rằng, nếu mắt trẻ bình thường, cha mẹ thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ có thể khiến cho mắt bị khô, viêm giác mạc, ảnh hưởng tới chức năng của mắt khi trẻ lớn lên. Do vậy các bậc phụ huynh chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý khi trẻ có dấu hiệu viêm nhiễm, đổ dử vàng, đau mắt.

Cẩn thận với nước muối sinh lý

Theo các chuyên gia y tế, nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) có ba loại gồm loại để tiêm truyền, loại để nhỏ mắt, mũi và loại để súc miệng, rửa vết thương. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết hết được các loại nước muối có giá chênh nhau tới cả trăm nghìn được bày bán tại các hiệu thuốc với quá nhiều công dụng được giới thiệu khác nhau như: xịt phun sương vệ sinh mũi, xịt mũi phun sương, dung dịch vệ sinh mũi, công thức nước biển tự nhiên, nước muối biển…

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, không phải cứ gọi là nước muối sinh lý là có thể dùng tùy tiện mà phải dùng loại nước muối sinh lý dành cho từng loại bệnh khác nhau.

Các bậc phụ huynh không nên lạm dụng nước muối sinh lý dạng chai to để rửa mũi cho trẻ và tự ý mua xi lanh về để bơm rửa mũi, họng cho con mà nên sử dụng loại có chỉ định cho mũi (thường đóng lọ 10ml). Xi lanh không phải là dụng cụ để bơm nước muối sinh lý vào mũi vì nó là vật có đầu cứng, dễ gây ra xước thành mũi.

Bác sĩ Xương khuyến cáo nên dùng loại nước muối sinh lý có đầu mềm để sử dụng khi rửa mũi, họng cho con.

Với bệnh về mắt, các phụ huynh chọn loại có biểu tượng con mắt ngoài vỏ hộp hoặc ghi rõ là nước muối sinh lý nhỏ mắt thường đóng lọ 10ml, tuyệt đối không tự pha nước muối bằng nước và muối để nhỏ mắt. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến việc vệ sinh lọ thuốc, tránh làm nhiễm bẩn đầu chai thuốc. Không được dùng nước muối sinh lý quá nửa tháng sau khi mở nắp.

Riêng đối với dung dịch nước muối sinh lý chai to dùng để tiêm truyền, yêu cầu về độ tinh khiết và vô khuẩn rất cao, chỉ dùng khi có chỉ định của nhân viên y tế, người dân tuyệt đối không tự ý tiêm truyền vì trong quá trình ấy sẽ có nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Việc lựa chọn sản phẩm nước muối sinh lý cũng là điều mà các bố mẹ cần cân nhắc khi vừa qua, cơ quan chức năng TPHCM liên tiếp phanh phui nhiều cơ sở sản xuất nước muối sinh lý thủ công, kém chất lượng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần chọn đúng sản phẩm đã được Bộ Y tế công nhận chất lượng. Với các sản phẩm nước muối sinh lý được sản xuất dưới dạng dung dịch vệ sinh mũi, minh chứng rõ nhất để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng chỉ là Giấy chứng nhận thiết bị y tế (medical device) do Bộ Y tế cấp. Với các sản phẩm nước muối sinh lý thông thường người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm của những doanh nghiệp uy tín trên thị trường, không nên sử dụng sản phẩm khi nhãn mác không rõ ràng về thương hiệu, về ngày sản xuất, hạn sử dụng, công dụng và thành phần, hay bằng mắt thường quan sát thấy sản phẩm được đóng gói sơ sài.

Tư thế đúng khi rửa mũi cho con

Khi trẻ có dấu hiệu chảy nước mũi, ho hắt hơi, mẹ có thể nhỏ 1- 2 giọt nước muối sinh lý 0,9% cho trẻ, sau đó yêu cầu trẻ xì mũi thật mạnh để làm sạch. Đối với trẻ dưới một tuổi, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút đờm trong mũi hoặc làm bấc sâu kèn lấy nước mũi.

Khi rửa mũi cho con, nên để trẻ nằm nghiêng, đầu thấp, mông cao để khi bơm nước muối sẽ không bị chảy vào phổi.

Các mẹ nên dùng nước muối sinh lý có đầu mềm, xịt nhẹ nhàng liên tục, tránh tạo áp lực xịt mạnh vào mũi con. Khi đó, nước đờm rãi sẽ theo dòng chảy ra, để giúp khô thoáng đường mũi họng.

Khi trời lạnh, nếu muốn nhỏ mũi cho trẻ, cha mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng để làm ấm trước khi nhỏ cho trẻ.

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 81309 Tổng lượt truy cập 89265991