Cảm nhận nơi lò sâu

Hồi hộp, lo lắng…là cảm nhận của hầu hết chị em trong Ban nữ công và nữ cán bộ phòng ban, phục vụ Công ty CP Than Vàng Danh trước chuyến đi thực tế xuống lò chợ KT10 mức +90 đến +115 Lò chợ II-7-1 vỉa 7 khu II F11-:-F12. Chuyến đi nhằm kiểm tra môi trường, điều kiện làm việc trong lò và qua chuyến đi này, chị em càng thấu hiểu hơn những vất vả, nhọc nhằn, càng cảm phục những cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người thợ lò để làm nên mỗi tấn “vàng đen” cho Tổ quốc.

Trước ngày lên đường phần lớn chị em đều khó ngủ. Hồi hộp, lo lắng, không hình dung ra nơi mình đến như thế nào, kèm theo chút sợ sệt (sợ bóng tối). Nhưng tất cả ngoài sức tưởng tượng, các chuyến song loan lên xuống nhịp nhàng, đường lò đi lại thông thoáng và chị em thoải mái rảo bước, ánh đèn soi rọi, rung rinh theo từng bước chân đi. Đoạn đường đi chưa đầy 200m, đoàn dừng chân… Một mùi ngai ngái, khen khét - mùi thuốc mìn. Có tiếng anh Quản đốc Vũ Mạnh Thắng: anh em bắn loạt mìn cuối chào đón các chị đó…

Chúng tôi tiếp tục đến đường lò II-7-1, diện sản xuất của phân xưởng Khai thác than số 10, gặp anh em công nhân đang làm ca 3. Vào thời điểm này cuối ca  nên anh em thợ đang hối hả tải than, không màng những việc xung quanh…

Chị Trần Thanh Vân - nhân viên phòng Kế hoạch tâm sự: “Chuyến tham quan thực tế dưới lò là một dấu ấn của cuộc đời tôi. Khi bước chân vào lò chợ phân xưởng KT10, tôi thực sự cảm phục trước những khó khăn, vất vả của các anh để nỗ lực mang những tấn than về cho Công ty cũng như cho đất nước”.

Còn chị Phạm Thị Doanh - phân xưởng Đời sống lại có cảm nhận riêng: “Tôi chỉ được nghe, xem công việc của các anh thợ lò qua những thước phim của Công ty chiếu tuyên truyền tại Hội nghị, nhà giao ca phân xưởng … Trong tôi lúc nào cũng nghĩ dưới lò ngột ngạt, tăm tối, chật hẹp… Nhưng giờ tận mắt chứng kiến thì lại khác hẳn với suy nghĩ của tôi lúc đầu. Xe song loan chở đoàn chúng tôi từ cửa lò vào đến nơi sản xuất khoảng trên 3km, ngồi trên xe mát như bật điều hòa. Tôi không ngờ dưới lòng đất lại như một thành phố trong đêm, đèn điện sáng choang, không gian rộng, thoáng mát, tiếng loa truyền thanh của Công ty cứ thánh thót xen lẫn tiếng cuốc tiếng choòng, tạo cảm giác như trên mặt đất”.    

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên phòng kế toán - Thống kê - Tài chính chia sẻ: “Chuyến tham quan với tôi thật đặc biệt và ý nghĩa. Được đến nơi những người thợ lò ngày đêm làm ra tài nguyên cho đất nước, tôi cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng cũng rất hào hùng mà các thế hệ thợ mỏ đã trải qua. Kết thúc chuyến tham quan, đoàn chúng tôi trở ra và gặp những người thợ di chuyển vào trong lò để bắt đầu ca 1, chúng tôi không nhìn thấy rõ từng gương mặt đối diện mà chỉ thấy những ánh đèn lấp lánh trên mũ cùng những tiếng chào, tiếng cười rộn rã của các anh, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Khoảnh khắc ấy giống như cảnh hành quân đêm khuya của bộ đội cụ Hồ đánh giặc thời chiến. Nhưng giờ đây, chúng tôi đang cùng nhau hành quân trên một con đường làm giàu cho Tổ quốc. Ấy cũng là lúc niềm tin, niềm cảm thông và tình yêu thương được trao gửi”.

Chị Phạm Thị Ánh Tuyết - Trưởng ban nữ công, Công đoàn Công ty tâm sự: “Tôi đã đi đến cuối chặng đường công tác (36 năm). Lần đầu tiên được đến tận nơi, nhìn tận mắt, thấy giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt người thợ lò tôi mới thấm thía độ mặn mòi của cái nghề mà biết bao thế hệ đã dựng lên tượng đài “Vinh quang Thợ mỏ”. Nụ cười đẹp nhất là nụ cười thợ mỏ lúc tan ca khi giao thoa giữa ánh sáng mặt trời nơi cửa hầm. Nụ cười đẹp đẽ, hạnh phúc ẩn sâu mầu đen bóng của than lẫn mồ hôi cất đi mọi vất vả của đêm cũ. Có lẽ không ai biết rõ về bóng tối hơn những người thợ mỏ, nghề mà người ta hay miêu tả rằng: “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”… Chúng ta không thể làm thay công việc của nhau nhưng tôi tin chắc rằng phải cần đến sự đồng cảm để thấu hiểu lẫn nhau. Nghề nào cũng đều rất cao quý. Mỗi chúng ta đều có nhiệm vụ làm cho đất nước giàu đẹp hơn, xã hội tốt hơn dù rằng công việc khác nhau. Đoàn nữ công chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các anh”.

Hiếm khi thấy chị em phụ nữ xuống lò, mà lại rất đông chị em, cánh thợ lò không dấu nổi niềm vui, xúc động. Thợ lò bậc 5/5 Lương Ngọc Quân - phân xưởng KT10 tâm sự: “Lần đầu tiên thợ lò chúng tôi được gặp các chị em tại hiện trường sản xuất, chúng tôi có dịp giao lưu, trò chuyện, chia sẻ những khó khăn, vất vả… Rất vui, xúc động. Đường lò được ví như ngôi nhà thứ 2 của mỗi người thợ mỏ chúng tôi. Mong lãnh đạo Công ty tạo điều kiện để cho tất cả người nhà chúng tôi có những chuyến đi tham quan thực tế để họ có thể hiểu sâu hơn về cuộc sống của người thợ mỏ, chia sẻ nỗi vất vả của anh em thợ mỏ khi trực tiếp làm ra hòn than…”.

Kết thúc chuyến đi rồi mà khúc ca “Khi chúng tôi vào lò” cứ vang mãi trong chúng tôi:…Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại, khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống... Cảm ơn các anh thợ lò đã mang tình yêu đến với Than và Than sẽ đem hạnh phúc đến muôn nhà.

Một số hình ảnh ghi lại chuyến đi thực tế hầm lò của nữ cán bộ Công ty CP Than Vàng Danh:





Thực hiện: Ánh Tuyết & Phạm Cường (Công ty CP Than Vàng Danh)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14298 Tổng lượt truy cập 89159321