Cải cách hành chính, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) với mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp”.

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu nhằm cải thiện các nội dung của công tác cải cách, đặc biệt là tiêu chí về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai công tác CCHC, Quảng Ninh đã sớm xác định cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc định lượng, đo lường, đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được về nội dung, mục tiêu cải cách, chứ không hô hào khẩu hiệu, hình thức. Đến nay, tỉnh đã có 9 năm tự thực hiện đánh giá Chỉ số PAR Index. Từ năm 2018, thực hiện quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã thực hiện điều tra đánh giá Chỉ số SIPAS đối với các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; tích hợp điểm số SIPAS và kết quả PAR Index.

Với tinh thần “dám nhìn thẳng sự thật”, tỉnh đã tập trung cải cách toàn diện, thực chất với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của sự phục vụ. Cùng với đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được đóng góp tiếng nói, được thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, góp phần quan trọng giúp tỉnh nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế hành chính, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Quảng Ninh cũng luôn xác định phương châm xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai thực hiện công tác cải cách là "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng hiệu quả thật); "6 dám" (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách)... Tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song tỉnh chưa khi nào chủ quan, sớm hài lòng với những điều đạt được, mà luôn nhìn nhận thẳng thắn vào những điểm còn hạn chế trong công tác cải cách. Trong đó, những yếu tố tác động đến sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn được tỉnh tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ càng, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp cải thiện.

Điển hình, tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra kết quả khảo sát điều tra sự hài lòng của người dân cho thấy vẫn còn tình trạng CBCCVC thuộc một số lĩnh vực còn chưa làm tròn nhiệm vụ khi giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh...; tinh thần trách nhiệm phối hợp, xử lý công việc của một số CBCC là chưa cao; có đơn vị chưa thu hút được người có tài năng, có trình độ chuyên môn thuộc các lĩnh vực tỉnh cần vào bộ máy hành chính. Hay như việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong TTHC còn có nơi mang tính hình thức, chưa chú trọng tham vấn chính sách đối với các đối tượng chịu tác động; công tác kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị đối với CBCCVC thực thi quy trình giải quyết TTHC chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, xử lý ngay, ảnh hưởng đến giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp…

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Cụ thể, theo kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tuy vẫn dẫn đầu toàn quốc với điểm số 94,07%, song đã bị giảm 1,69 điểm % so với năm 2020 (95,76%) và cả 5/5 chỉ số thành phần đều giảm điểm so với năm 2020. Đặc biệt, vẫn còn 5,25% người dân đánh giá bình thường hoặc không hài lòng về công chức; tỷ lệ hài lòng trung bình về công chức đạt 94,75%, thấp hơn so với năm 2020 là 0,52 điểm %. Trong 7 tiêu chí đánh giá về công chức năm 2021, cả 7 tiêu chí đánh giá tỷ lệ hài lòng đều thấp hơn so với năm 2020…

Trước thực trạng đó, tỉnh đã đặt ra hàng loạt mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhằm cải thiện các chỉ số thành phần về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC; tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện số hóa trong giải quyết TTHC ở cả 3 cấp chính quyền...

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND điều tra sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, tỉnh phát ra hơn 5.000 phiếu điều tra xã hội học tới người dân, người đại diện cho tổ chức đã thực hiện TTHC hiện đang sinh sống tại địa bàn tỉnh để thu về ý kiến đánh giá sự hài lòng đối với 20 sở, ban, ngành; 8 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 59 đơn vị cấp xã.

Kết quả điều tra được đảm bảo khoa học, khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để tỉnh tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện chất lượng phục vụ, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 34219 Tổng lượt truy cập 91126401