CÁ NƯỚC LỢ

Tác giả: NGUYỄN XUÂN VINH

             Tôi có việc về với Điền Công - Uông Bí, xã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Đây là nơi giáp với sông Bạch Đằng, có nhiều đầm hồ nuôi cá nhất nhì Uông Bí. Ngày xưa trong trận thủy chiến đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã phát lệnh khai trận tại đây.

             Đến thăm đầm nuôi tôm cá, bất ngờ tôi gặp Quang, người quen cũ.

             Tôi hỏi: Sao chú lại ở đây?

             Quang trả lời: Em về Điền Công mấy năm nay và trở thành người của đầm hồ rồi anh ạ!

- Chú đang làm ở Nhà máy cơ khí công cụ Hà Nội kia mà?

             Quang trả lời: Em về hưu trước tuổi làm mấy chục triệu, nhờ anh bạn ở Uông Bí kiếm cho cái đầm ở đây nuôi cá cho vui!

Tôi đùa: Chú đâu có cần mấy chục triệu!

Như hiểu ý tôi, Quang chỉ cười.

             Quang mời tôi vào căn chòi canh được xây ngay trên bờ đầm, hơi nhỏ nhưng có đủ tiện nghi sinh hoạt. Quang pha trà mời tôi uống. Hai anh em vui vẻ chuyện trò.

            Là thanh niên ham bóng đá, hơn 30 năm về trước, tôi và Quang quen nhau trên sân cỏ Thượng Đình - Thanh Xuân. Quang người tầm thước, đẹp trai, nói năng nhẹ nhàng, đá bóng thì như múa. Trong mọi cuộc đấu, cậu ta luôn là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất. Nhà tôi và nhà Quang cách nhau chỉ mấy trăm số nhà, nhưng có khi cả năm mới có một lần đến chơi nhà nhau. Mọi chuyện chỉ được biết qua sân bóng. Bố mẹ Quang là công nhân  Nhà máy cơ khí Công Cụ, ông bà có 3 người con, Quang là người con thứ 3, trên là hai chị gái. Học xong Đại học cơ khí chế tạo, Quang xin về Nhà máy cơ khí Công Cụ Hà Nội làm việc tại Phòng kỹ thuật.

           Đá bóng giỏi, lại đẹp trai, có khá nhiều các cô gái đem lòng cảm phục và yêu mến. Nhưng rồi số phận Quang gắn với người con gái tên Hạnh làm kế toán của ngân hàng quận. Hạnh xinh sắn, nết na. Đám cưới của họ được tổ chức đơn giản, đạm bạc nhưng ấm cúng, đông đảo bạn bè và gia đình đến chúc mừng. Hai người sống với nhau trong căn nhà nhỏ ngay mặt phố mà bố mẹ đã dành dụm mua cho từ lâu. Sáng nào trước lúc đi làm, Quang cũng ôm vợ hôn. Chiều về cũng vậy, thấy Hạnh có nhà, mặc cho quần áo còn nguyên bụi nhà máy, Quang cũng ôm hôn luôn. Cứ như vậy rồi họ có với nhau hai đứa con, một gái và một trai. Hai người chắt chiu, tần tảo nuôi con trong cái không gian ấm cúng ấy.

           Đất nước chuyển từ bao cấp sang thời kinh tế thị trường, cũng là  lúc Quang được chuyển về Phòng vật tư của nhà máy được đề bạt làm phó phòng rồi lên trưởng phòng. Không biết Quang làm ăn gì nhưng càng ngày Quang càng ít ra sân bóng và có vẻ bảnh bao, chải chuốt hơn. Ai cũng biết vật tư luôn là miếng mồi béo bở của mọi kẻ cơ hội. Có lẽ Quang rơi vào trong số những kẻ như thế. Bởi vậy Quang có rất nhiều tiền. Nhiều lần đá bóng xong, đi uống bia, Quang đã bỏ tiền chiêu đãi mọi người. Vui miệng Quang còn cho biết vài trăm triệu với Quang chẳng là gì. Quả nhiên ngay năm ấy Quang đập nhà cũ, xây nhà ba tầng và sắm đầy đủ tiện nghi đắt tiền trong nhà.

           Sẵn tiền Quang ăn chơi thỏa sức, nay nhà hàng này, mai nhà hàng khác. Lúc em này sà vào lòng, lúc lại em khác. Quang luôn rút tiền thưởng cho các em một trăm, hai trăm, có khi tiền triệu là không vướng. Hôm nào Quang về đến nhà cũng thật muộn, say mềm. Nhiều hôm Hạnh phải hì hục  mãi mới đưa được Quang lên giường rồi lấy khăn ấm lau mặt cho Quang. Những lần như thế nước mắt Hạnh cứ rơi, Hạnh thương cho Quang và thương cho chính mình.

          Điều lạ là những đêm say mềm như vậy vẫn có ai đó gọi vào điện thoại. Nhưng Quang nào có biết. Tiếng ngáy khồng khộc, đưa Quang chìm sâu vào giấc ngủ.

          Từ lâu bạn bè đã bóng gió cho Hạnh biết về quan hệ của Quang, nhưng Hạnh luôn tôn trọng công việc và mối quan hệ làm ăn của chồng, tin chồng, chưa bao giờ cô cầm máy của Quang lên nghe. Mặt khác lần nào khi tỉnh dậy Quang cũng xin lỗi Hạnh vì hôm qua phải tiếp khách, tiếp đối tác nên quá đà.

          Một đêm, chắc gọi mãi không được, người bên kia nhắn tin. Hạnh bật máy đọc xem đối tác của chồng nhắn gì vào lúc khuya khoắt này, biết đâu lại là tin làm ăn quan trọng để còn kịp báo cho Quang. Trong máy hiện lên dòng chữ: “Anh yêu, anh đã ngủ chưa? Lần nào gặp, anh cũng mang lại niềm vui cho em, mai này con chúng mình chắc sẽ giống anh, thật khỏe mạnh!”

          Hạnh không còn tin vào mắt mình nữa, cô chệnh choạng, ngã gục xuống giường đánh rầm. Tiếng động mạnh khiến Quang bừng tỉnh giấc. Quang vội lay gọi: Hạnh! Hạnh ơi! Em làm sao vậy?

          Thấy bố gọi mẹ ầm nhà, hai đứa con của Quang cũng lao từ trên gác xuống lay gọi mẹ: Mẹ! mẹ ơi! Mẹ tỉnh lại đi! Mẹ làm sao thế?

          Một lúc sau đôi mắt Hạnh từ từ mở, nhìn hai đứa con như một lời cảm ơn. Rồi hai mắt như hai tia lửa hướng về Quang, muốn đốt Quang thành than ngay lập tức. Bất ngờ Hạnh ngồi bật dậy:

          - Mẹ không sao, các con cứ về phòng đi để mẹ nói chuyện với bố!

Hai đứa con vâng lời, trở lại phòng của chúng.

Hạnh cầm chiếc điện thoại dằn mạnh xuống giường:

- Anh cho tôi biết đây là gì? Là thế nào?

Quang cầm lấy điện thoại đọc rồi bảo:

- À mấy thằng bạn nhậu nó trêu đấy mà! Em để ý làm gì!

             - Trêu là trêu thế nào! Hạnh dằn giọng: Đây là đứa nào? Nó còn nói nó có con với anh rồi. Anh nói thật đi!

            - Không! Không! Không đâu! Chúng nó trêu em đấy! Anh xin thay mặt chúng nó ngàn lần xin lỗi em!

             Hạnh vốn ít nói, thấy Quang như vậy cũng chẳng thiết nói gì thêm,  nhưng trong lòng thì ấm ức. Thế ra những tin đồn thổi bấy nay là thật. Bao công lao của hai vợ chồng xây nên cái tổ ấm này chả nhẽ bây giờ đổ sông, đổ biển? Hạnh nằm xuống giường quay mặt vào tường tức tưởi. Một lúc sau Quang cũng nằm xuống lân la ôm Hạnh vào lòng…

            Quang như đã nhận ra lỗi lầm, ít say xỉn hơn, nhiều bữa đã ăn cơm cùng vợ con tại nhà. Hạnh thấy vui dần lên, trong lòng đã vơi đi u uất.

            Bẵng đi một thời gian. Bỗng một hôm điện thoại của Hạnh vang lên chuông báo tin nhắn. Nhưng đang bận việc với khách hàng, Hạnh không mở ra đọc. Buổi tối, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm, chợt nhớ tới tin nhắn lúc chiều. Hạnh tự nhủ chắc là tin nhắn của cô bạn rủ đi picnic, vì ngày mai đã là ngày nghỉ cuối tuần. Đọc xem nó rủ đi đâu?

           Hạnh mở ra thì ôi thôi! Đó là một lời thách thức thô bạo: “Quang là của tao! Chỉ tháng sau là tao sinh con cho anh ấy!”       Hạnh tối sầm mặt mày. Bỏ rơi điện thoại xuống sàn nhà, người lảo đảo. Cả Quang và hai đứa con đều lao đến đỡ lấy Hạnh. Tiếng còi xe cấp cứu hú vang đường phố, đưa Hạnh  vào bệnh viện trong cơn bất tỉnh.

          Nằm viện tới nửa tháng, người sọp hẳn đi. Nhưng Hạnh không cho Quang được đến thăm, chỉ để bố mẹ đẻ, em gái và hai đứa con cùng đồng nghiệp chăm bẵm. Thi thoảng hai chị gái của Quang đến thăm hỏi như một sự xin lỗi của Quang.

          Ra viện mạnh khỏe, tỉnh táo, Hạnh viết đơn xin li dị. Quang như người mất hồn, van lạy Hạnh đừng bỏ nhau mà tội nghiệp cho hai đứa con.

         Hạnh nói thẳng: Anh đâu chỉ có hai đứa con, mà có cả đống! Thương làm sao suể! Thôi anh ký đơn đi! Không nói nhiều nữa!

         Chần chừ khất lần đến hàng tháng. Nhưng trước sự cương quyết của Hạnh, Quang không có cách nào khác, đành phải hạ bút ký vào đơn. Tòa tìm cách khuyên giải mãi cũng không được. Họ chia tay nhau trong một ngày đông ảm đạm.

          Quang lang thang nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác. Nửa tháng, một tháng rồi nửa năm, nhớ con Quang lại về thăm con. Lúc đầu Hạnh không đồng ý nhưng thương hai đứa con chúng chẳng có tội gì mà không được gặp bố của chúng. Mà thực lòng Hạnh vẫn yêu Quang, vì Quang là người đàn ông vẫn rất chiều vợ, quý con. Còn cái thói trăng hoa cũng là cái thói của những kẻ lắm tiền…

         Hạnh không nói gì nữa, họ về với nhau thành cặp uyên ương chưa chồng, chưa vợ.

         Tôi hỏi Quang: Chú thôi việc, về tận Quảng Ninh làm đầm hồ, Hạnh có ý kiến gì không?

         Quang giãi bày: Lúc đầu cũng căng lắm anh ạ! Nhưng em cứ cương quyết thôi việc. Nhà mặt đường nhưng cũng chẳng muốn mở hàng gì, em cho người ta thuê bán đồ điện từ trước khi Hạnh về hưu, mỗi tháng thu mấy triệu. Mặt khác bố mẹ em cũng không còn, ở nhà nhìn thấy nhau nhiều dễ nảy sinh thêm mâu thuẫn. Vả lại còn có cả hai vợ chồng thằng con nó ở đấy. Nhà có mẹ, có con, có cháu cũng vui.Thế là em quyết tâm đi.

        - Thế cô thứ hai của chú đâu rồi?

        Quang đưa tay chỉ về phía cuối đầm xa xa, ở đấy đang thấp thoáng một người con gái dưới những cây chuối xanh rờn.

        Quang bảo: Cô ấy đấy! trông như một người nông dân thực thụ rồi anh ạ! Suốt ngày cặm cụi với vườn tược, với đầm hồ.

        Tôi hỏi: Cô ta ở đây với chú à?

        - Cũng không hẳn thế! Cô ấy có nhà ở Hà Nộii, gần ông bà ngoại, thi thoảng về đây với em, rồi lại về trên ấy.

        - Thế đứa con cô ta cùng với chú thế nào rồi?

        Quang trả lời: Cháu sắp học xong cấp hai rồi anh ạ!

        -  Nhanh thế cơ à? Mỗi lần cô ấy về đây thì cháu ở với ai?

        - Những lần như vậy thì ông bà ngoại sang trông nhà và giúp cháu cơm nước, học hành.         

        Tôi nghe nói, Quang đã đầu tư cho cô ta ngôi nhà ấy, khá khang trang ngay gần nhà ông bà ngoại. Vốn xưa là cô gái bán hàng tạp hóa trong chợ Ngã Tư Sở, lúc nào cũng son phấn, bóng bẩy, thơm lựng. Quang quen cô ta trong một lần vào mua đôi giầy đá bóng. Chẳng hiểu chuyện trò thế nào mà cô ta đem lòng yêu Quang, rồi cái gì phải đến đã đến. Người như vậy mà bây giờ lại xuống đầm hồ lao động, kể cũng lạ!

         - Thế còn hai đứa lớn với Hạnh thì sao? Tôi hỏi.

         Quang nhấp thêm hớp chè rồi điềm tĩnh trả lời: Chúng em đã dựng vợ, gả chồng cho các cháu đâu vào đấy anh ạ! thành ông bà nội, ngoại cả rồi!

         Tôi đùa: Chúng em! vẫn đôi uyên ương Quang Hạnh! Hay có cả vai trò của người thứ ba?

         Quang cười: Anh hiểu thế nào cũng đúng! 

         Tôi hỏi: Thế còn cô này?

          Quang bảo: Cũng chẳng ký tá gì cả! Vẫn vậy!

          Tôi thốt lên: Thế thì tôi chịu chú!

          Quang chậm giãi: Có gì đâu anh! Em biết lỗi với hai người, nên em phải có trách nhiệm với cả hai và đương nhiên có trách nhiệm với cả ba đứa con của mình.

          Nghe Quang nói thế tôi chỉ: Ờ! Ờ!

          - Em biết bác không đồng tình với em chuyện này, nhưng nói vậy thôi, em cũng không còn ít tuổi nữa, mọi việc coi như đã an bài.

          Quang dẫn tôi ra thăm đầm. Đầm rộng tới vài nghìn m2. Bờ bao rộng rãi, chắc chắn. Trên mặt bờ là những luống khoai, luống dưa, những bụi chuối xanh tốt. Một cái cống được xây dựng bề thế, có cánh mở ra đóng vào   cho đầm có sự lưu thông với con lạch chạy ra tận sông Bạch Đằng.

          Tôi hỏi: Thế này thì nước đầm lên xuống theo thủy triều à chú?

          Quang bảo: Đúng vậy! Nên người ta gọi cá nuôi ở đây là cá nước lợ. Cá nhanh lớn mà thịt của cá ăn rất ngon, đậm đà anh ạ. Thi thoảng em cũng đánh bắt vài chục cân vừa để ăn vừa mang chợ bán lấy tiền sinh hoạt.

          - Đánh bắt bằng gì?

          - Bằng lưới, đơn giản lắm! Hay anh ở đây đợi em đánh mấy con mang về cho chị và các cháu, gọi là có chút quà Điền Công.

          Tôi bảo: Thôi chú ạ! Tôi còn đi nhiều chỗ, đã về ngay Hà Nội đâu, mang đi không tiện. À mà một năm chú thu hoạch được bao nhiêu?

- Trung bình mỗi năm cũng được trên dưới 100 triệu!

- Thế là được rồi!

           Vừa nói chuyện, Quang vừa với một hộp thức ăn đã để sẵn trên bờ đầm, bốc mấy nắm ném xuống đầm. Một lát sau, mặt nước lao sao chuyển động, những con cá khá to tranh nhau đớp mồi, trông thích mắt.

          Đến cuối bờ đầm, nơi cô gái đang lúi húi làm cỏ vườn. Thấy tôi cô ngừng tay, đon đả: Em chào bác!      

          Cô gái chừng ngoài tuổi 40, có thân hình tròn lẳn, cân đối, khuôn mặt xinh, nụ cười tươi. Riêng đôi mắt thì lúng liếng ướt rượt. Thế này thì Quang chết là phải.

         - Chào em! Tôi chào lại. Rồi như để làm quen tôi hỏi thêm: Lao động thế này có vất vả không em?

         Nở một nụ cười rồi cô ấy trả lời: Cũng bình thường thôi bác ạ! Làm rồi khắc quen thôi mà!

         - Em ở Hà Nội xuống đây được mấy ngày rồi?

         - Em mới xuống hôm qua thôi!

         - Ở đây vất vả, lại thêm muỗi, dãn em chịu được à?

         - Em cũng quen rồi ạ!

         Tôi động viên: Cũng phải cố gắng thôi! Làm cho nó vui, mà cũng khỏe người nữa!

         - Vâng! Cô ta trả lời tôi bình thản.

         Đi một đoạn nữa, như sực nhớ ra tôi vỗ vai Quang hỏi: Này Hạnh có bao giờ xuống đây không?

         Quang trả lời: Có chứ anh, thi thoảng vào ngày nghỉ cháu lại đánh xe đưa Hạnh và vợ con cháu xuống đây chơi, đánh cá, mang chuối, dưa về cho con cháu, cho cả hàng xóm rồi bạn bè nữa chứ!

         Tôi tò mò: Thế khi Hạnh xuống thì…? Tôi đưa mắt về phía cô gái.

         - Em hiểu ý bác rồi! Quang vừa đùa lại như rất thật: Thời đại thông tin, chúng em lên kế hoạch rất dễ, người này có mặt thì người kia vắng mặt! Cứ thế đã được mấy năm nay rồi! Êm thấm mà!

Tôi bảo: Chú đúng là một con cá nước lợ! Cả khi còn trong nhà máy và cả bây giờ trước hai người con gái!

Quang cười khềnh khệch: Đời mà anh! Mà còn thế này nữa chứ!

         - Còn chuyện gì nữa? Tôi hỏi.

         - Hạnh không hài lòng với em, nhưng với hai bố mẹ em thì Hạnh vẫn chăm sóc chu đáo. Khi các cụ qua đời, Hạnh mặc áo tang như một con dâu trưởng, lo toan mọi việc. Em biết ơn Hạnh!

         - Mặc dù không còn là con dâu chính thức, nhưng Hạnh đã xử sự thế là phải nhẽ!

         - À còn chuyện này thì anh biết hơn em! Em hỏi anh!

         - Lại gì nữa?

         - Đó là về đất Điền Công hay Đền Công? Em thì em thích Đền Công hơn. Quang say xưa nói: Trước đây đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã dựa vào dân ở đây để biết về sông nước, luồng lạch, cho quân mai phục. Rồi tại gốc cây Giêng cụ cho khai lệnh thúc quân sĩ xông lên đánh giặc. Chiến thắng vang dội. Ngài đã cho xây miếu thờ như để đền ơn những người dân có công với nước ở đây. Bởi thế đất này được gọi là Đền Công là đúng. Lâu dần gọi chệch đi thành Điền Công.

         Tôi ngắt lời Quang: Chú hiểu theo cách nhiều người đã hiểu về Điền Công. Nhưng theo tôi biết thì vào năm 1987, các nhà khoa học lịch sử đã tìm thấy một bia đá lúc đó đặt trong chùa ở đây có chữ Điền Công viết bằng chữ nho. Bởi vậy theo tôi Điền Công mới là đúng.

         - Thôi anh ạ! Điền Công hay Đền Công với em không quan trọng! Nhưng em vẫn thích Đền hơn. Em về đây làm đầm hồ vừa vui, vừa khỏe người. Thi thoảng thu hoạch vài con cá, vài cái hoa trái gửi cho Hạnh vui lòng, gọi là bù đắp lại lỗi lầm của em với Hạnh, như thế có được gọi là đền công không anh?

         Tôi cười ngất: Chú đúng là một con cá nước lợ!

         Chia tay, Quang chuyển ra xe cho tôi mấy quả dưa và một buồng chuối khá to, đã có những quả ngả màu vàng, đẹp mắt. Trên đường trở về Hà Nội, tôi cứ vẩn vơ với câu hỏi: Quang làm thế có hay không nhỉ?

 

NGUYỄN XUÂN VINH-Hội viên Hội VHNT Uông Bí - Quảng Ninh

Viết sau ngày đi thực tế sáng tác tại Điền Công do Ban Văn Học - Hội VHNT UB tổ chức 3/2016.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16689 Tổng lượt truy cập 91343380