Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), đạt được kết quả nổi bật, tạo chuyển biến, thay đổi nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh và NTD khi tham gia mua sắm, sử dụng dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh: Minh Đức

Ngay khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, tỉnh đã thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh. Đồng thời giao chức năng quản lý nhà nước cấp tỉnh về bảo vệ quyền lợi NTD cho Sở Công Thương tham mưu; giao nhiệm vụ cho cơ quan nhà nước cấp huyện trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức, như hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn pháp luật, mít tinh, diễu hành, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền có tính truyền thống, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng các phương thức mới, phong phú hơn như: Facebook, xe lưu động, tổ chức sự kiện ở những nơi công cộng... Giai đoạn 2011-2021 toàn tỉnh có 1.502 hội thảo, hội nghị, tập huấn có lồng ghép nội dung bảo vệ quyền lợi NTD được tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn người; 31 cuộc mít tinh, diễu hành; phát hành 250.000 tập gấp, tờ rơi, 2.013 băng rôn, phướn thả, hàng nghìn tin, bài... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của NTD, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật.

Việc triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản pháp luật liên quan tập trung vào 4 phương thức giải quyết tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân với NTD, là thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Các khiếu nại và yêu cầu của NTD còn có thể được giải quyết, xử lý với sự tham gia của các cơ quan nhà nước (nhất là UBND cấp huyện), các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị tiến hành tiêu hủy vật chứng của vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tháng 2/2022.

Sở Công Thương chú trọng thực hiện các quy định pháp luật về hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Thông qua rà soát, phát hiện và yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ những nội dung vi phạm, không đảm bảo quyền lợi NTD trong các hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung do tổ chức, doanh nghiệp soạn thảo để giao kết với NTD. Qua đó góp phần từng bước đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, minh bạch trong giao dịch giữa doanh nghiệp, tổ chức và NTD, tạo nên môi trường kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững. Ngay sau khi Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung vào việc nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển hệ thống phân phối bền vững; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội luôn phối hợp triển khai các hoạt động gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn bằng nhiều hình thức. Trong đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo sát sao các đơn vị có nhu cầu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; đặc biệt đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NTD khi tham gia giao dịch, sử dụng dịch vụ. Theo thống kê, trung bình mỗi năm xác nhận và tổ chức trên 15 chương trình hội chợ triển lãm, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản Quảng Ninh; tiếp nhận trên 10.000 hồ sơ thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại trên địa bàn tỉnh. Các hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh trong việc vận động, tuyên truyền doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị, tập huấn tìm hiểu các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD; ký cam kết doanh nghiệp vì NTD...

Giai đoạn qua, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của NTD qua hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD. Tỉnh mở rộng phương thức tương tác qua tổng đài điện thoại của bộ phận thường trực tiếp nhận các phản ánh của NTD (email, hệ thống tiếp nhận trực tuyến...) để người dân tiện trao đổi, tiếp cận. Trong đó, số lượng vụ việc phản ánh, khiếu nại của NTD do Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiếp nhận và xử lý 302 vụ, giá trị hàng hóa được giải quyết thành công hàng trăm triệu đồng; tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc đạt trên 95%/năm. Các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trên 48.827 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 154 tỷ đồng.

Theo Trần Thanh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13436 Tổng lượt truy cập 91336578