Bảo tồn văn hóa người Dao ở dưới chân núi Yên Tử

Người Dao ở Uông Bí không đông và sống chủ yếu ở xã Thượng Yên Công, chiếm tới 50% dân số của xã. Tuy số lượng ít nhưng bà con ở đây vẫn phát huy tốt các bản sắc của dân tộc mình.

Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, TP Uông Bí và xã Thượng Yên Công đã rất chú trọng vào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, gắn với nông thôn mới, nhất là văn hóa của người dân tộc thiểu số. Năm 2016, xã Thượng Yên Công đã xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn Khe Sú 2 quy mô, vừa là nơi sinh hoạt của bà con lại vừa là điểm du lịch, nơi bảo tồn và phát huy những bản sắc dân tộc vốn có của xã.

Theo lãnh đạo UBND xã Thượng Yên Công, đến nay người Dao ở xã vẫn giữ và phát triển được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị văn hóa phi vật thể như: Hội làng, lễ cấp sắc, tục cưới hỏi, ma chay, may thêu trang phục dân tộc, hát đối, hát giao duyên và ẩm thực đặc trưng của người Dao. Ở xã có cụ Bàn Thị Nam đã được phong tặng Nghệ nhân Dân gian Việt Nam năm 2010.

Bà Lý Thị Mai (người đứng), thôn Khe Sú 1, đang truyền dạy cho người dân trong xã cách dệt dây lưng người Dao.

Cùng cán bộ xã Thượng Yên Công, chúng tôi đến thôn Khe Sú 1. Ở đây từ mấy năm trước đã hình thành tổ thêu thổ cẩm Dao Thanh Y và tổ dệt dây lưng người Dao.

Bà Triệu Thị Thịnh, thôn Khe Sú 1, là người phụ trách của cả tổ thêu và tổ dệt cho biết: Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang bản sắc dân tộc, chúng tôi còn có trách nhiệm truyền dạy cho lớp trẻ hoặc những ai muốn đến học thêu thùa hay dệt thổ cẩm của người Dao. Chúng tôi còn vận động bà con mặc quần áo truyền thống vào các ngày lễ tết, đám cưới, mùa lễ hội Yên Tử và bà con đã vào cuộc một cách tích cực. Đến nay, đã có 100%  người Dao đứng tuổi ở Thượng Yên Công đã biết thêu quần áo dân tộc mình. Lớp trẻ có người biết, người không, một phần do việc thêu các bộ quần áo mất quá nhiều thời gian, trong khi lớp trẻ hiện nay nhiều người rất bận rộn.

Ông Hoàng Đức Ty, 72 tuổi ở thôn Khe Sú 1, là người biết nhiều chữ Nho, mà phần lớn do ông tự học. Ông Ty thường giữ vai trò là thầy cúng trong các lễ cấp sắc ở xã và các xã có người Dao khác của thành phố, từ đó giúp cho nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Thượng Yên Công và Uông Bí nói chung đã được duy trì và tồn tại phát triển. Ông Ty có vợ là bà Lý Thị Mai, cũng rất tâm huyết trong việc truyền dạy thêu, dệt thổ cẩm của người Dao. Bà Mai là người thêu thắt lưng, khăn đội đầu của người Dao rất giỏi và sẵn sàng truyền dạy cho những ai có nhu cầu đến học.

Ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa thêu, người Dao ở Thượng Yên Công còn có nhiều món ẩm thực của dân tộc mình mà nổi tiếng nhất là món canh gà nấu rượu bâu. Món ăn này đã được đưa vào thực đơn, tạo ấn tượng với nhiều thực khách khi đến khu Làng Nương, của Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử.

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, Bếp trưởng bộ phận ẩm thực Làng Nương – Yên Tử, thì khi khách đến Làng Nương mùa thu đông, nhiều khách đã quen khi đến nhà hàng đều chọn món gà nấu rượu bâu để thưởng thức cho ấm người. Người Dao ở chân núi Yên Tử từ xa xưa đã chọn món gà nấu rượu bâu để nấu ăn mỗi khi lên rừng, hoặc đi rừng về người mệt chỉ cần ăn một bát là thấy người khỏe hẳn lên. Cùng với canh gà nấu rượu bâu, khách đến Yên Tử mùa thu đông cũng rất thích các món bánh chưng gù, xôi ngũ sắc được tạo mầu từ các lá cây rừng, đây cũng là các món ăn của người Dao rất thích hợp với tiết trời se se lạnh.

Được biết, những năm qua, TP Uông Bí  luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Dao ở xã Thượng Yên Công. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã dành nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng để phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ sự phát triển của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, người dân có điều kiện bán được các sản phẩm thêu dệt và các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, tạo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn được tốt hơn.

Theo Công Thành/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3279 Tổng lượt truy cập 89142666