Ăn Tết cùng thợ mỏ

Xuân Nhâm Dần 2022 đã đến, gác lại mọi bộn bề lo toan, mỗi gia đình thợ mỏ Quảng Ninh an nhiên đón năm mới với nhiều hy vọng mới. Năm vừa qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng là năm thành công nhất từ trước đến nay của ngành Than và những người thợ mỏ. Tết này, thợ mỏ vui hơn, phấn khởi hơn không chỉ bởi sự đủ đầy về vật chất, mà còn bởi sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị ngành Than.

Từ những ngày giáp Tết, 525 chuyến xe đã được các đơn vị ngành Than bố trí để đưa gần 15 nghìn thợ mỏ và gia đình về quê ăn Tết. Đây là hoạt động thường niên, một nét văn hóa đẹp của ngành Than và càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp hiện nay. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã đến chúc tết, tặng quà và tiễn nhiều công nhân mỏ về quê đoàn viên cùng gia đình. Trong tiết trời lạnh giá, những bàn tay siết chặt, những lời động viên ân tình, gửi gắm lời thăm hỏi của lãnh đạo tỉnh và ngành Than đến gia đình ở quê xa khiến mỗi người thợ mỏ thêm ấm lòng.

Công ty Than Hòn Gai - TKV tổ chức 72 chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết.

Chia sẻ niềm háo hức, mong chờ dịp đoàn viên sau một năm xa cách, thợ lò Nguyễn Xuân Quý, Phân xưởng K5, Công ty Than Uông Bí – TKV, cho biết: “Tôi quê ở Thái Bình, năm ngoái để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, tôi đã ở lại Quảng Ninh ăn Tết và từ đó đến nay vẫn chưa về thăm nhà. Với tôi, chuyến xe đưa công nhân về quê ăn tết mang theo niềm vui đoàn viên cho cả gia đình trong dịp Tết năm nay. Ở nhà, mọi người đã chuẩn bị Tết đầy đủ, chỉ đợi tôi về là sum họp. Tôi cảm ơn các vị lãnh đạo tỉnh và ngành Than đã mang cái Tết an toàn cho thợ mỏ. Sau Tết tôi sẽ nhanh chóng trở lại làm việc để kịp thời phục vụ sản xuất”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh động viên, tiễn công nhân về quê ăn Tết.

Năm nay, với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt phòng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thợ mỏ ở lại Quảng Ninh ăn tết không nhiều như năm ngoái. Một số đơn vị, trong đó có Công ty Than Uông Bí, số công nhân ở lại khu tập thể chỉ khoảng vài chục người. Nhưng, đó là những người xung phong ở lại trực cơ quan, phân xưởng. Họ sẵn sàng chia sẻ “suất” đoàn viên cho những đồng nghiệp đã hơn một năm chưa được thăm nhà.

Thợ mỏ Quảng Ninh, với khí chất lạc quan, hào sảng, dù ăn Tết ở đâu vẫn luôn đủ đầy, tươm tất. Khi những chuyến xe lăn bánh cũng là lúc người ở lại rộn ràng không khí mừng xuân.

Trong căn phòng tập thể dành cho hộ gia đình của Công ty Than Uông Bí, thợ lò Lương Văn Thắng, Phân xưởng K20 cùng vợ con chụp những tấm ảnh đẹp nhất để gửi về gia đình ở quê. Căn phòng tập thể tuy nhỏ nhưng tràn ngập sắc mùa xuân với các loại hoa rực rỡ và đặc biệt không thể thiếu sắc thắm hoa đào. Đây là năm thứ hai vợ chồng anh ở lại Quảng Ninh ăn Tết trong khu tập thể. “Dù xa quê, nhưng Tết của thợ mỏ là phải tươm tất, ấm cúng và đầy đủ hương vị cổ truyền. Năm nay Công ty thưởng các khoản dịp Tết cũng khá cao, tôi được 30 triệu nên càng muốn sắm sửa đầy đủ cho gia đình” – anh Thắng chia sẻ.  

Gia đình thợ lò Lương Văn Thắng, Công ty Than Uông Bí - TKV chụp ảnh trong đêm giao thừa.

Thưởng cao và nhiều đãi ngộ trong dịp Tết là niềm vui chung của hầu hết thợ mỏ Quảng Ninh trong mùa xuân Nhâm Dần này. Bình quân tiền thưởng Tết của thợ mỏ TKV từ 6 – 15 triệu/người. Các đơn vị cũng đã dành trên 303 tỷ đồng để phân phối lại tiền lương cho thợ mỏ (gọi là lương tháng thứ 13). Có nhiều thợ mỏ nhận được các khoản lương, thưởng lên đến hơn 40 triệu đồng trong dịp Tết. Ngoài ra, Công đoàn TKV đã tặng 2.169 suất quà cho công nhân khó khăn, tai nạn lao động, công nhân xuất sắc, với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tặng quà gia đình công nhân xuất sắc Nguyễn Văn Chức, Công ty Than Quang Hanh - TKV.

Với rất nhiều thanh niên trẻ, quê ở các huyện vùng cao Quảng Ninh như Bình Liêu, Đầm Hà…, từ ngày theo nghề mỏ, Tết nào cũng thấy rất đủ đầy, sung túc. Anh Trần Văn Dũng (sinh năm 1996, dân tộc Tày) ở thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu là một trong gần 700 thợ lò người đồng bào dân tộc thiểu số đang làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương. Câu chuyện anh Dũng đi làm thợ lò và trở lên khấm khá, ở khu Co Nhan này ai cũng biết và mừng cho anh. Từ chính sách thu hút thợ lò là người đồng bào ở vùng cao Quảng Ninh, năm 2019, Công ty CP Than Mông Dương đã mở rộng địa bàn tuyển dụng lao động đến các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Tiên Yên. Hướng đi này không những nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu nhân lực hầm lò của Mông Dương và TKV, mà còn góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội ở một số địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ninh.

Nhớ lại những năm trước khi làm thợ lò, Dũng đã từng đi bốc gạch thuê bên Trung Quốc, đi phụ hồ, việc gì cũng làm nhưng đến Tết vẫn không có tiền sắm sửa đầy đủ cho gia đình. “Bốn năm nay, từ khi làm thợ lò, tôi xây được nhà, lo được cho con cái ăn học đầy đủ. Tết nào anh em họ hàng gặp nhau cũng mừng vui. Thấy tôi khấm khá, nhiều thanh niên trẻ trong khu Co Nhan này cũng đang đi học nghề mỏ” – anh Dũng phấn khởi cho biết.

Đối với người Tày, Tết Nguyên đán là Tết quan trọng nhất trong năm. Được thưởng cao, thợ lò Trần Văn Dũng phấn khởi sắm sửa cho cả nhà một cái Tết thật to. Nghi lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết rất đầy đủ. Mâm cơm thành kính dâng lên gia tiên của đồng bào Tày có rất nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng đặc biệt không thể thiếu khau nhục, xôi dành dành và bánh chưng kim lông – những đặc sản của vùng đất Bình Liêu. Khi mọi thủ tục cúng xong, các thành viên trong gia đình cùng nhau thưởng thức bữa cơm tất niên - bữa cơm sum họp gia đình. Đây cũng là dịp để anh em họ hàng gặp gỡ, hàn huyên tâm sự sau một năm lao động hăng say. 

Sáng mùng một Tết, gia đình Dũng dậy thật sớm để cùng xuống suối lấy nước mang về nhà. Người Tày quan niệm, nước suối buổi sáng là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn. Người nào đến được điểm lấy nước trước sẽ lấy được nhiều may mắn, tài lộc về nhà. Trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, thợ lò Trần Văn Dũng mong muốn giữ được sức khỏe tốt để tiếp tục lao động năng suất hơn, chăm chỉ hơn, đóng góp vào thành tích chung của Công ty Than Mông Dương; và mong ngành Than sẽ quan tâm hơn nữa đến những người lao động, thợ mỏ.

Trong thanh âm rộn ràng của đất trời vào xuân mới, những gia đình thợ mỏ đang quây quần bên nhau, thưởng thức hương vị cổ truyền ngày Tết. Thời khắc này, họ tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề mỏ để nhường chỗ cho những ước mong về một năm mới bình an, ấm no, hạnh phúc.

Gia đình thợ lò người dân tộc Tày, huyện Bình Liêu Trần Văn Dũng (Công ty CP Than Mông Dương) quây quần bên nhau trong đêm giao thừa.

Dẫu công việc còn lắm nỗi nhọc nhằn, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, đâu đó còn những mái nhà chưa yên ấm, nhưng Tết đến, xuân về, thợ mỏ ngành Than đều chung một niềm tin và chung một quyết tâm mạnh mẽ. Đó là, niềm tin vào sự lớn mạnh không ngừng của ngành Than và quyết tâm cống hiến, gắn bó với hòn than, với nghề nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang mà họ đã chọn lựa.

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3619 Tổng lượt truy cập 91138406